Chuẩn bị tình huống nếu dịch bệnh xảy ra
Trao đổi với PV báo SK&ĐS, TTƯT. TS.BS. Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội cho rằng, các địa phương khi tổ chức mở cửa lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, phải vừa đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo phòng chống dịch. Ví dụ như hạn chế số lượng người ra vào cơ sở lễ hội trong 1 ngày, thực hiện đầy đủ khai báo y tế, thực hiện xếp hàng giãn cách... và lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ và nhân dân cả nước nếu để địa phương mình bùng phát dịch.
“Khi mà chẳng may có ca nhiễm COVID-19 xảy ra tại lễ hội thì hệ thống ngành y tế nói chung và hệ thống CDC nói riêng sẽ rất vất vả. Việc truy vết vô cùng khó khăn do số người liên quan đến ca bệnh lớn và không ai biết đã tiếp xúc với ai. Quy mô truy vết không chỉ ở một gia đình, một xóm hay một xã nữa mà quy mô diện tiếp xúc sẽ liên quan đến rất nhiều địa phương khác nhau. Lực lượng truy vết và nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống dịch sẽ rất tốn kém” - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết.
Tại Hà Nam, trong những ngày gần đây, đặc biệt là ngày thứ 7, chủ nhật vừa qua (ngày 13-14/3), lượng du khách đổ về chùa quá đông gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Bà Phạm Thị Minh Hoa - Trưởng phòng Y tế huyện Kim Bảng, Hà Nam cho biết, hiện phòng y tế huyện vẫn tăng cường hướng dẫn người dân, du khách thực hiện đeo khẩu trang, dùng dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt là tại khu vực chùa vẫn thực hiện khai báo y tế cho du khách đến tham quan. Hiện tại, chùa Tam Chúc có Phòng Y tế, Ban Quản lý chùa phối hợp với Trạm Y tế xã Ba Sao thực hiện mọi công tác phòng chống dịch bệnh. Tại trạm xá và huyện đều có đường dây nóng báo báo về tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên do số lượng người đến tập trung tại đây quá đông trong cùng một thời điểm, nhiều người không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Nhiều du khách thoải mái đi lại nhưng không đeo khẩu trang tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam).
Người dân nên thay đổi thói quen đi lễ hội
Khi dịch bệnh diễn biến khó lường thì càng khiến người ta mong ước được khỏe mạnh, an lành nhưng không vì thế mà bất chấp dịch bệnh để chen chúc cúng bái. Thay đổi thói quen là điều nên làm trong thời điểm này để tránh những nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh có thể lây lan.
Theo thượng tọa Thích Đạo Hiển - Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, để phòng chống dịch hiệu quả, ngoài nỗ lực của chính quyền và ban quản lý các khu di tích, rất cần sự hợp tác của người dân. Ngoài ra, một giải pháp căn cơ, theo thượng tọa Thích Đạo Hiển, người dân nên thay đổi thói quen đi lễ hội, đi chùa, cần rải ra cả năm chứ không phải chỉ dồn tất cả vào đầu năm.
Bên cạnh đó, việc thực hành lễ hội cũng cần được sắp xếp, điều chỉnh lại. Ở các điểm lễ hội, thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới, cần có giải pháp để phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch... Việc đơn giản hóa, hy sinh những nhu cầu cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng trong lúc này cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội.
“Phật tại tâm - tu tại gia”, muốn tâm bình an thì mỗi người phải tự điều chỉnh hành vi của mình trong giai đoạn bình thương mới. Thay vì chen chúc, giành giật tại những nơi đông đúc, hãy mang tâm thế bình an khi đi chùa dâng hương lễ Phật. Mong rằng, mỗi người dân đều tự nâng cao ý thức phòng chống dịch, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.