Cuộc điều tra sơ bộ ở Malaysia đang tập trung vào giả thuyết máy bay phát nổ giữa không trung
Nhà chức trách Malaysia hôm 10-3 khẳng định họ đang xem xét mọi khía cạnh trong quá trình điều tra vụ chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) biến mất bí ẩn, trong đó có cả khả năng máy bay đã phát nổ giữa không trung hoặc bị không tặc.
Tìm kiếm “từng centimet” trên biển
Tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman cho biết: “Chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào nhưng mối bận tâm chính lúc này là tìm ra chiếc máy bay. Mọi giả thiết đang được tìm hiểu nhưng chúng tôi phải tránh đưa ra phỏng đoán về vụ việc”.
Theo ông Azharuddin, chiến dịch tìm kiếm đã được mở rộng đến eo biển Malacca với sự tham gia của 34 máy bay và 40 tàu của nhiều nước nhưng vẫn chưa tìm thấy gì. Ông nói: “Không may là chúng tôi vẫn chưa tìm thấy thứ gì có thể rơi ra từ máy bay, nói gì đến cả chiếc máy bay”. Khoảng 1.800 tàu cá của Malaysia ở biển Đông và eo biển Malacca đã được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Phát biểu của ông Azharuddin được đưa ra sau khi có thông tin các quan chức điều tra đang tập trung vào giả thuyết máy bay phát nổ giữa không trung. “Việc chúng ta không phát hiện bất cứ mảnh vỡ nào đến giờ phút này khiến giả thuyết máy bay nổ tung giữa không trung càng rõ nét” - một nguồn tin biết về cuộc điều tra sơ bộ ở Malaysia nói với Reuters hôm 9-3. Tuy nhiên, người này cho rằng chưa có bằng chứng bom gây ra vụ nổ bởi máy bay vẫn có thể vỡ tung vì trục trặc kỹ thuật.
Mặt khác, báo The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết “các dữ liệu tình báo sơ bộ” của Lầu Năm Góc cho thấy chiếc máy bay mất tích không bị nổ ở biển Đông. Sử dụng một hệ thống phát hiện mọi chớp sáng lóe lên trên toàn thế giới, Lầu Năm Góc đã xem xét các dữ liệu tình báo sơ bộ tại khu vực chiếc máy bay biến mất nhưng không thấy bằng chứng của một vụ nổ.
2 người dùng hộ chiếu giả chỉ mua vé 1 chiều
Dù phía Malaysia tỏ ra dè dặt song những nhận định về giả thuyết máy bay bị khủng bố ngày càng chiếm ưu thế, nhất là sau khi người ta phát hiện ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả. Nhà chức trách Malaysia ngày 10-3 thông báo mở cuộc điều tra nội bộ đối với Cục Quản lý xuất nhập cảnh sau khi có thông tin 2 hành khách có nhân dạng châu Á nói trên đã lọt qua bộ phận an ninh dù dùng hộ chiếu châu Âu đánh cắp.
Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Datuk Zahid Hamidi thông báo: “Chúng tôi sẽ điều tra chặt chẽ các sĩ quan an ninh trực tại phòng quản lý xuất nhập cảnh trước khi chuyến bay MH370 cất cánh”. Giới truyền thông Malaysia còn chỉ ra một điểm đáng ngờ khác: 2 người dùng hộ chiếu giả nói trên chỉ mua vé 1 chiều. Dữ liệu phòng vé cho thấy họ quá cảnh tại Bắc Kinh trước khi đến Amsterdam - Hà Lan.
Đến chiều 10-3, người đứng đầu cơ quan điều tra của cảnh sát Malaysia - ông Tan Sri Khalid Abu Bakar - cho biết 1 trong 2 nghi phạm sử dụng hộ chiếu giả trên máy bay đã bị nhận diện. “Ông ta không phải người Malaysia nhưng tôi chưa thể tiết lộ ông ta đến từ nước nào” - ông Bakar nói, đồng thời khẳng định cả 2 nghi phạm không xâm nhập Malaysia bất hợp pháp.
Trong cuộc họp báo sau đó cùng ngày, khi được yêu cầu mô tả nhân dạng của 2 hành khách trên, Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Rahman hỏi ngược lại: "Các bạn có biết cầu thủ Balotelli không?''. Mario Balotelli là tiền đạo của CLB AC Milan (Ý).
Nghi vấn người Duy Ngô Nhĩ trả thù
Không những thế, diễn đàn trực tuyến Boxun (Trung Quốc) đang gây xôn xao khi đăng tải bức thư nặc danh gửi đến một nhà báo ở Trung Quốc hôm 9-3 với tiêu đề “Giải thích về sự kiện chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines”.
Tác giả bức thư tự xưng “Người lãnh đạo nhóm cảm tử Trung Quốc” và khẳng định tất cả những người trên chuyến bay đã về với “Chúa trời”. Nội dung bức thư khẳng định đây là “đòn trả thù” cho việc “chính phủ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
Một nguồn tin dẫn lời giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng về sự liên quan của các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, họ cho rằng thời điểm chiếc máy bay mất tích là rất đáng ngờ bởi nó xảy ra không lâu sau vụ khủng bố bằng mã tấu ở TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Chưa hết, người đứng đầu cơ quan tình báo Đài Loan hôm 10-3 cho biết đã nhận được cảnh báo tấn công khủng bố nhằm vào sân bay và hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc trước khi máy bay của Malaysia mất tích.
Báo chí Trung Quốc chỉ trích Malaysia
Truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu chỉ trích MAS và chính phủ Malaysia vì cách thức xử lý vụ máy bay mất tích.
Bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn Cầu hôm 10-3 cho rằng “phía Malaysia không thể lẩn tránh trách nhiệm”. Tờ báo này viết: “Đến hôm qua, nước này còn không thể bảo đảm việc cung cấp thông tin chính xác về hành khách. Phản ứng ban đầu từ phía Malaysia là không đủ nhanh. Đang có những lỗ hổng trong hoạt động của MAS và nhà chức trách an ninh”. Tương tự, tờ China Daily cho rằng Bắc Kinh đã “cạn dần kiên nhẫn” trong việc chờ đợi thông tin về chiếc máy bay đang mất tích. Ngay cả Tân Hoa Xã cũng có ý chỉ trích chính quyền Kuala Lumpur khi đưa tin Trung Quốc đang cử quan chức đến Malaysia để thúc giục đẩy nhanh sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ, điều tra vụ việc và hỗ trợ thân nhân những người bị mất tích, trong đó có 153 người Trung Quốc.
Không chỉ bị tổn thất về uy tín, MAS còn gặp thiệt hại về tài chính. Cổ phiếu của hãng hàng không này đã giảm 18% tại sàn giao dịch chứng khoán Malaysia hôm 10-3 khiến gánh nặng nợ nần đè lên MAS càng thêm lớn. MAS gần đây thông báo khoản lỗ 360 triệu USD trong năm 2013.
Lỗ hổng nghiêm trọng
Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đang điều tra những hộ chiếu đáng ngờ khác được hành khách sử dụng trên chiếc máy bay mất tích của MAS. Thông tin trên được đưa ra sau khi người ta phát hiện ít nhất 2 người đã dùng hộ chiếu đánh cắp để lên máy bay nói trên.
Giới chức xác nhận 2 hộ chiếu đánh cắp là của ông Christian Kozel (người Áo) và Luigi Maraldi (người Ý). Cảnh sát Thái Lan mở cuộc điều tra một “đường dây hộ chiếu” ở hòn đảo du lịch Phukhet sau khi hay tin 2 hộ chiếu này bị đánh cắp ở đó từ 2 năm trước. Thông tin về chuyến bay cho thấy 2 chiếc vé được đặt mua dưới tên Maraldi và Kozels vào hôm 6-3 và được phát hành tại Pattaya. Các số vé máy bay điện tử của 2 người này liền kề nhau và đều được thanh toán bằng đồng baht.
Các chuyên gia và cơ quan chống tội phạm cho rằng sự việc hộ chiếu giả đã phơi bày lỗ hổng nghiêm trọng trong an ninh hàng không quốc tế. Theo Interpol, hơn 1 tỉ người đi máy bay mỗi năm nhưng hộ chiếu của họ không được nhà chức trách đối chiếu với cơ sở dữ liệu tập hợp 40 triệu hộ chiếu bị thất lạc hay mất cắp. Interpol xác nhận 2 hộ chiếu trên đã được nhập vào cơ sở dữ liệu này sau khi chúng bị đánh cắp ở Thái Lan.
Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho biết tổ chức của ông từ lâu đã thắc mắc tại sao các quốc gia lại chờ đợi đến khi bi kịch xảy ra mới chịu thực hiện các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn ở sân bay. Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ra lệnh kiểm tra các thủ tục an ninh hàng không của nước này theo sau vụ mất tích.