Hà Nội

Phát minh tình cờ làm thay đổi cuộc sống

06-08-2018 06:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những phát minh khoa học vĩ đại đã làm thay đổi cuộc sống nhân loại, trong số này có không ít những phát minh y học được ra đời từ một sự tình cờ…

Máy tạo nhịp tim

Năm 1956, nhà khoa học người Mỹ Wilson Greatbatch (1919-2011) bắt tay vào nghiên cứu phát triển thiết bị để theo dõi nhịp tim. Trong lúc ông đang thao tác, ông đã lắp một bóng bán dẫn vào thiết bị có công suất cao gấp 100 lần bóng bán dẫn thông thường. Lỗi thao tác này khiến Greatbatch tạo ra các xung điện giống hệt nhịp đập của tim. Tình cờ, Greatbatch đã tạo ra một thiết bị theo dõi nhịp tim lắp bên trong cơ thể, một công cụ mà thời điểm cuối năm 50 ở thế kỷ trước còn rất xa lạ. Người ta mới chỉ phát minh ra máy tạo nhịp tim cồng kềnh dùng cố định mà thôi.

Thay vì những chiếc máy điều hòa nhịp tim đầu tiên (Pacemakers) trông giống như một chiếc tivi, sử dụng năng lượng pin không đủ nên phải cắm vào ổ điện cố định (bệnh nhân dùng máy tạo nhịp tim thời đó giống như một người chạy thận nhân tạo, không thể rời khỏi máy mà cũng không thể mang nó đi theo), giờ đây nhờ máy tạo nhịp tim lắp trong người đã cho phép hàng triệu người bệnh có thể sinh hoạt được bình thường.

Năm 1970, Greatbatch bắt đầu thành lập công ty riêng có tên Greatbatch Inc. và phát triển pin lithium, có tuổi thọ dài mười năm, được sử dụng trong hơn 90% máy điều hòa nhịp tim được thương phẩm trên quy mô toàn thế giới. Ngày nay, hơn ba triệu người được hưởng lợi từ những phát minh của Greatbatch và hơn 600.000 máy tạo nhịp tim của ông được cấy mỗi năm.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Nhà khoa học Wilson Greatbatch và máy tạo nhịp tim do ông phát minh.

Chất làm ngọt nhân tạo saccharin

Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo đầu tiên được con người tạo ra để thay thế đường mía, đặc biệt hơn, nó được ra đời hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào cuối năm 1878, đầu năm 1879, GS. Ira Remsen đang điều hành một phòng thí nghiệm nhỏ tại Đại học John Hopkins ở Baltimore, Maryland (Mỹ) thì có Công ty nhập khẩu H.W. Perot (HWP) đến đề nghị hợp tác làm một số việc liên quan đến đường. HWP muốn Constantin Fahlberg, một chuyên gia về đồ ngọt, sử dụng phòng thí nghiệm của Remsen để kiểm tra độ tinh khiết của một số lô hàng mà họ sắp nhập khẩu.

Sau khi hoàn thành các xét nghiệm, Fahlberg ở lại làm việc cho GS. Ira Remsen. Một ngày nọ, trong khi ăn tối, Fahlberg phát hiện thấy ổ bánh mì của ông có một vị ngọt bất thường và quyết định tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi suy luận, vị ngọt của bánh mì không phải do người làm bánh tạo nên. Ngay lập tức, Fahlberg đem chiếc bánh ăn dở ra phân tích và phát hiện thấy hóa chất trên tay ông khi làm việc tại phòng thí nghiệm chính là nguyên nhân gây ngọt, hóa chất đó đã đi vào ổ bánh mì mà Fahlberg đang ăn. Vì không có phản ứng bất lợi với hóa chất chưa biết này, nên Fahlberg quyết định nghiên cứu tiếp để tìm ra sự thật.

Fahlberg không thể nhớ chính xác hợp chất mà ông đã mang nó trên tay khi ở phòng thí nghiệm về, vì vậy ông đã quyết định nếm thử mọi hóa chất mà ông đã tiếp xúc trong ngày hôm đó tại phòng thí nghiệm và cuối cùng ông đã tìm thấy, trong khi làm thí nghiệm ông đã đổ đầy một cốc phospho clorua, amoniac và axit sulfobenzoic, tạo ra sulfatide benzoic (benzoic sulfimide), hợp chất mà ông biết nhưng chưa bao giờ được dùng làm thực phẩm cả. Nhờ phản ứng nói trên, Fahlberg đã khám phá ra saccharin, nó từng được dùng phổ biến trong Thế chiến I do nạn khan hiếm đường.

Trái với những gì đồn thổi, saccharin rất an toàn khi tiêu thụ bởi qua các nghiên cứu khoa học người ta chứng minh được điều này. Saccharin còn được gọi với tên khác là đường không sinh năng lượng, độ ngọt của saccharin cao hơn đường saccharose 300 lần nhưng ở nồng độ cao saccharin có dư vị của kim loại. Saccharin được sử dụng để làm ngọt các sản phẩm như đồ uống giải khát, kẹo, bánh bích quy, thuốc chữa bệnh, kem đánh răng... Cũng như nhiều chất ngọt thay thế khác, saccharin không bị hấp thu bởi hệ tiêu hóa, không gây ảnh hưởng tới hàm lượng insulin trong máu, không tạo năng lượng. Vì vậy, saccharin được xếp vào nhóm chất ngọt không calo, còn được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm…


Khắc Hùng
Ý kiến của bạn