Hà Nội

Phạt lao động công ích với tài xế uống rượu bia lái xe: Liệu có khả thi?

26-10-2018 11:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên quan tới trường hợp tài xế nữ lái xe BMW gây tai nạn liên hoàn tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm 1 người chết, 5 người bị thương, mới đây, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho rằng, đây là trường hợp khá hiếm khi một phụ nữ sử dụng rượu bia quá mức lái xe gây tai nạn. Tuy nhiên, đó là “giọt nước làm tràn ly”.

Theo ông Hùng, Ủy ban chưa bao giờ đề xuất hình sự hóa lỗi uống rượu bia điều khiển phương tiện. Cũng có ý kiến đề xuất nếu nồng độ cồn cao lái xe có thể bị tịch thu phương tiện, nhưng nhiều ý kiến phản đối. Có xe giá trị chỉ 2 triệu đồng, bị phạt 4 triệu đồng, chủ phương tiện bỏ xe luôn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục duy trì chế tài mạnh, xử phạt bổ sung như lao động công ích hoặc phải học lại mới trả bằng lái. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cũng có nhiều nước hình sự hóa lỗi uống rượu bia lái xe. Tuy nhiên, mỗi nước có điều kiện khác nhau, môi trường thực thi pháp luật hình sự khác nhau, riêng với Việt Nam thì không phù hợp. Quy định hiện đã đủ mạnh, quan trọng là thực thi thế nào thôi.

Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa những đối tượng vi phạm giao thông nhiều lần đi lao động, làm sạch môi trường để họ nhớ và không tái phạm. Thực tế cho thấy, một số nước trên thế giới đã sử dụng hình thức lao động công ích đối với người vi phạm giao thông và mang lại hiệu quả đáng kể. Đề xuất này cũng là một phương án đáng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, lựa chọn hành vi vi phạm nào thì phải chịu chế tài này, đồng thời tính toán loại hình lao động công ích nào phù hợp với hành vi của người vi phạm. Việc áp dụng hình thức này đối với người vi phạm ATGT, giúp họ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần xem xét áp dụng đối với từng hành vi cụ thể, nếu áp dụng tràn lan sẽ không khả thi.

Các ý kiến khác lại nhận định, những người bị phạt vẫn được đối xử như người bình thường nên đây là hình thức xử phạt rất nhân văn. Hành vi vi phạm chưa đến mức hình sự phải giam giữ, mất quyền công dân thì phạt lao động công ích là phù hợp. Hoàn toàn có thể cải tạo con người thông qua lao động. Việc đó có tác dụng giáo dục rất thuyết phục, mang tính răn đe, cảnh báo con người về hành vi vi phạm. Xử phạt bằng lao động công ích nhanh mà không tốn kém, lại có tác động đến tự ái, uy tín và sĩ diện của người vi phạm nên hiệu quả răn đe sẽ cao hơn.

Chế tài xử lý vi phạm ATGT hiện nay không nhẹ. Việc tuyên truyền thực hiện ATGT cũng được tổ chức hàng ngày, thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các ngã tư, nhưng mức độ khắc phục và sửa chữa chậm. Trong khi đó, vi phạm ATGT để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tài sản, tính mạng của người dân, gây ùn tắc giao thông, nên cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, cho phép áp dụng phạt lao động công ích. Tuy nhiên, đây là vấn đề luật pháp nên phải cân nhắc kỹ lưỡng, chế tài là cần thiết, song thủ tục áp dụng phải đơn giản, nhanh chóng.

Không ít ý kiến đánh giá, về nguyên tắc, vi phạm giao thông ở đâu sẽ phạt lao động công ích ở đó, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề nan giải như thời gian thực hiện lao động công ích bao nhiêu, vào thời điểm nào cũng khó. Nếu như người vi phạm là công chức, làm việc cả tuần thì chỉ có thể phạt họ lao động công ích vào cuối tuần hoặc vào ban đêm, song điều này ảnh hưởng đến công việc của họ.

Trên thực tế, đề xuất buộc người vi phạm giao thông phải lao động công ích không phải bây giờ mới có. Từ năm 2016, trước khi Nghị định 46/2016NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ được áp dụng với những chế tài tăng nặng hình phạt cho 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông so với trước đây, cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất áp dụng chế tài phạt lao động công ích đối với người vi phạm giao thông. Nhưng từ đó đến nay, đề xuất này vẫn chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng, kiến nghị chứ chưa được áp dụng vào thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, trước tình hình tai nạn giao thông gia tăng nhanh như hiện nay, rất cần một hình thức phạt có tính giáo dục và răn đe cao được áp dụng.


TRUNG KIÊN
Ý kiến của bạn