Phát biểu khai mạc, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết Hội nghị sẽ giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người; nắm vững được những thành tựu về quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam; Nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc trong lĩnh vực quyền con người và đặc biệt là phát huy vai trò của truyền thông, báo chí trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam
PGS.TS Tường Duy Kiên (Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ quyền con người trong khu vực ASEAN, đóng góp vào xây dựng và định hình thể chế thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên thế giới.
Tuy nhiên, không những không thừa nhận thành tựu, kết quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đạt được, nhiều thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và ở nước ngoài; một số tổ chức phi chính phủ quốc tế thiếu thông tin cố tình phát tán tài liệu xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận thành tựu, ra sức chống phá chế độ XHCN dưới ngọn cờ "dân chủ, nhân quyền".
Để có thể phản bác các luận điệu xuyên tác, phủ nhận thành quả về dân chủ, quyền con người tại Việt Nam, PGS.TS Tường Duy Kiên cho rằng cần xem xét, nhận diện, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện âm mưu, thủ đoạn và xác định rõ bản chất của các luận điệu xuyên tạc, nền tảng, mục tiêu, phương thức, chủ trương, công cụ chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, phải vạch rõ tính hạn chế và mâu thuẫn của các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
"Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng internet, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước; tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam để xuyên tạc, kích động về tư tưởng, chính trị. Chính vì vậy, truyền thông, báo chí chính thống tại Việt Nam cần phải chủ động trong công tác tuyên truyền về quyền con người", PGS.TS Tường Duy Kiên nói.
Vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người
Cũng theo PGS.TS Tường Duy Kiên, truyền thông, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận tuyên truyền về những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời chủ động tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay".
"Để bảo vệ và đấu tranh trong lĩnh vực quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, dù chính sách của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân có hay đến mấy, nhưng nếu thiếu vai trò của truyền thông, báo chí, thì chính sách, pháp luật cũng khó đến được với người dân, nhất là việc truyền tải, giải thích, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các kênh truyền thông, báo chí.
Bên cạnh việc truyền tải thông tin về quan điểm, chính sách, truyền thông, báo chí còn phát hiện, phê phán và lên án các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, qua đó đấu tranh bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước", PGS.TS Tường Duy Kiên khẳng định.
Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2022 đặt mục tiêu truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đặt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền cong người ở Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2028 theo Đề án là 100% cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người; 100% cán bộ làm công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của cơ quan báo chí, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam.
Xem thêm video được quan tâm:
Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người.