Nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm của phụ nữ
Trong Nghị quyết ĐH đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII, an toàn thực phẩm là một nội dung quan trọng. Vấn đề an toàn thực phẩm cũng được chú trọng trong quá trình hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là đề án số 01 của Chính phủ về "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030".
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đã nhấn mạnh, hội viên, phụ nữ vừa là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh vừa là đối tượng thụ hưởng sản phẩm thực phẩm an toàn. Bởi vậy, các cấp hội có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ chị em hiểu biết, tự giác tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, các chương trình phối hợp, lồng ghép các nội dung về an toàn thực phẩm vào kế hoạch triển khai hoạt động công tác Hội tại các địa phương đã được đẩy mạnh. Qua 2 năm, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động được hơn 186 nghìn hộ hội viên, phụ nữ, người dân sản xuất, kinh doanh ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo thói quen lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không mua bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong bảo quản, chế biến thực phẩm; phê phán mạnh mẽ, tiến tới loại bỏ dứt điểm tư tưởng "Rau hai luống, lợn hai chuồng"/phân biệt sản xuất để sử dụng và để kinh doanh.
Các buổi truyền thông, chuyên đề về công tác an toàn thực phẩm đã giúp cho cán bộ Hội các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong cả nước nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm của phụ nữ đã được các cấp hội phụ nữ duy trì và nhân rộng cùng với mô hình điểm "Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn" như: mô hình "Làng 3 sạch" (Bắc Ninh), mô hình "2 dao 2 thớt", "Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt" (Bình Định), Tổ phụ nữ tiểu thương nói không với thực phẩm bẩn (Khánh Hòa), Chi hội tự quản về vệ sinh, an toàn thực phẩm (Thanh Hóa), "Nữ tiểu thương 3K, 3C - không mua, không bán, không sử dụng - có tâm, có uy tín, có khách hàng" (Long An), "Góc chợ phiên - Thực phẩm tin cậy"…
Phụ nữ tôn giáo chung tay
Quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tổ chức diễn đàn chia sẻ, vận động nhân rộng các sáng kiến và giải pháp thông tin tuyên truyền, vận động phát triển hội viên tại vùng tôn giáo, Ban Thường vụ Hội LHPN Việt Nam các tỉnh thành đã hướng dẫn các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tôn giáo tham gia hoạt động Hội bằng những việc việc làm hiệu quả, thiết thực góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh tại địa phương.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay của phụ nữ tôn giáo đã phát huy truyền thống "tốt đời, đẹp đạo" phục vụ phước lợi cho nhân sinh; tích cực thực hiện công tác thiện nguyện, an sinh xã hội, đóng góp các nguồn lực chung tay cùng với các cấp chính quyền thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tại tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh có 75 mô hình tổ phụ nữ tôn giáo với 1.347 thành viên gồm: 13 Tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn thực phẩm với 150 thành viên; 10 tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn giao thông, với 103 thành viên; 9 tổ phụ nữ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường với 192 thành viên; 15 tổ phụ nữ tôn giáo từ thiện xã hội với 443 thành viên; 28 tổ phụ nữ tôn giáo với an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, với 459 thành viên….
Tín đồ tôn giáo tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN từ cấp tỉnh đến cơ sở là 20 Ủy viên (cấp tỉnh: 2 ủy viên; cấp huyện 9 ủy viên; cơ sở 9 ủy viên). Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiêu biểu của các tôn giáo lan tỏa tích cực.
Nhiều mô hình đã từng bước xây dựng và phát huy được vai trò tích cực của lực lượng nòng cốt trong chị em phụ nữ tôn giáo. Mô hình "Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn" ở cả góc độ tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh; thí điểm và nhân rộng mô hình "Chợ bảo đảm an toàn thực phẩm", đồng thời vận động, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù OCOP; các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, cung ứng nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn do phụ nữ tham gia quản lý… đã góp phần hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát huy giá trị tích cực tôn giáo trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, đấu tranh các biểu hiện lệch lạc trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.