Tình hình bệnh tay - chân - miệng vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 4/9/2011, toàn quốc ghi nhận 42.673 trường hợp mắc, 98 trường hợp tử vong do bệnh tay - chân - miệng, trong đó trên 3/4 số trường hợp tử vong là trẻ dưới 3 tuổi. Trước tình hình này, các địa phương đang ráo riết huy động sức mạnh của hệ thống y tế cơ sở, ngăn chặn và đẩy lùi bệnh tay - chân - miệng. Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với BS. Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống về các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng mà Sở Y tế Kon Tum đã triển khai.
PV: Thưa bà, thời gian qua, Kon Tum đã có 1 người tử vong do bệnh tay - chân - miệng, để hạn chế số ca mắc và tử vong, ngành y tế Kon Tum đã làm gì?
BS. Nguyễn Thị Ven. |
BS .Nguyễn Thị Ven:
Báo cáo mới nhất của Trung tâm YTDP cho thấy, tổng số mắc luỹ tích đến ngày 6/9/2011 là 289 trường hợp mắc tay - chân - miệng. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi là 277, trẻ em từ 5 tuổi trở lên là 12; 1 trường hợp tử vong. Số trường hợp khỏi bệnh và ổn định là 268, số chưa khỏi bệnh còn đang điều trị tại các cơ sở y tế là 21 trường hợp. Tổng số xã, phường, thị trấn có trường hợp mắc bệnh 58/97, chiếm 59,8% tổng số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Về trường hợp tử vong tại huyện Tu Ma Rông, Trung tâm YTDP của tỉnh đã điều tra kỹ và rút kinh nghiệm trong toàn tỉnh.
PV: Kon Tum là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, việc tuyên truyền trong đồng bào dân tộc như thế nào để hạn chế số ca mắc bệnh tay - chân - miệng?
BS. Nguyễn Thị Ven: Đúng là tỉnh tôi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Nhưng Kon Tum hiện có đội ngũ y tế thôn bản trải đều và có mặt tại các thôn bản. Hiện chúng tôi có gần 800 nhân viên y tế thôn bản có mặt tại các bản làng xa xôi nhất. Thời gian qua, Trung tâm YTDP làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế tổ chức các lớp tập huấn, in pa-nô, áp-phích phát đến tận cơ sở. Nhân viên y tế thôn bản đã được tập huấn về phòng chống bệnh tay - chân - miệng dựa vào các hình ảnh được chúng tôi chuyển về nên đã tuyên truyền rất kỹ đến người dân.
PV: Trước đây, TP. Kon Tum là “điểm nóng” về bệnh tay - chân - miệng, giờ đây đã lan sang các huyện, vì sao lại như vậy, thưa bà?
BS. Nguyễn Thị Ven: Ngành y tế đã nhận định tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại địa bàn huyện Đăk Tô, tập trung chủ yếu tại xã Tân Cảnh (số trường hợp mắc mới ghi nhận từ ngày 1/9/2011 đến ngày 6/9/2011 trên địa bàn huyện Đăk Tô là 32 trường hợp. Trong đó: Tân Cảnh: 25, Ngọc Tụ: 4, Diên Bình: 1, Văn Lem: 1 và Kon Đào: 1). Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1539/SYT-NVY về việc tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng gửi các đơn vị trực thuộc sở. Sở Y tế đã ban hành kế hoạch số 1562/KH-SYT về việc kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh. Trung tâm y tế các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện, thành phố triển khai hoạt động phòng chống bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn. Đồng thời thiết lập hệ thống điều tra, giám sát và báo cáo trường hợp mắc bệnh thông qua mạng lưới nhân viên y tế thôn bản và hệ thống mạng lưới y tế từ tuyến xã lên tuyến tỉnh để nắm chắc trường hợp mắc bệnh và diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Trung tâm YTDP tỉnh Kon Tum cử đoàn công tác phối hợp với Trung tâm y tế huyện Đăk Tô tiến hành điều tra, giám sát tình hình bệnh tay - chân - miệng huyện Đăk Tô, tập trung tại các địa bàn có số trường hợp mắc mới cao như Tân Cảnh, Ngọc Tụ; đồng thời tiến hành các biện pháp khử trùng tại hộ gia đình, trường tiểu học, mầm non. Công tác khử khuẩn trường học, hộ gia đình được quan tâm đúng mức và đã phát huy hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn bà!
Y Đông Ba Huy(thực hiện)