Đây là một trong 3 công trình được đầu tư xây dựng nhằm chào mừng Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng thành phố Bắc Ninh (8/8/1954 - 8/8/2019).
Bức phù điêu nghệ thuật được đầu tư gần 23 tỷ đồng, xây dựng bằng chất liệu đá xanh, dài 63m, cao 9m. Nội dung Bức phù điêu khắc họa, tái hiện lại lịch sử văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc từ thuở hồng hoang đến thời kỳ hiện đại. Trung tâm Bức phù điêu là Biểu tượng Lá đề - hình tượng Rồng thời Lý với những cánh sen cách điệu lan tỏa. Bên trái là hình tượng Thái úy Lý Thường Kiệt đánh tan 10 vạn quân Tống trên chiến tuyến sông Như Nguyệt; bên phải là Thành cổ Bắc Ninh, một trong 4 tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ, là chứng tích những cuộc khởi nghĩa của nhân dân Bắc Ninh giành chính quyền từ thực dân Pháp.
Tổng thể bức phù điêu là công trình hoành tráng vừa có giá trị về tư tưởng vừa mang đậm giá trị nghệ thuật về điêu khắc đá.
Bức phù điêu “Theo dòng lịch sử và văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc” đã thể hiện dòng chảy văn hóa, truyền thống khoa bảng, hiếu học với Văn Miếu Bắc Ninh - nơi thờ tự 677 vị đại khoa thời phong kiến. Khung cảnh các lễ hội đặc trưng, làng nghề truyền thống, nghi thức sinh hoạt Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù, cùng các di tích lịch sử tiêu biểu như: Lăng Kinh Dương Vương; Chùa Dâu, Chùa Bút Tháp; Chùa Phật Tích, Đền Đô... 2 bên là 8 cột đá vẽ “tứ quý”, “tứ bình” tạo nét đặc sắc riêng có của vùng đất và con người Bắc Ninh.
Nhìn tổng thể bức phù điêu là công trình hoành tráng vừa có giá trị về tư tưởng vừa mang đậm giá trị nghệ thuật về điêu khắc đá. Tuy nhiên, tôi và một số người trực tiếp đến xem bức phù điêu đều cảm thấy tiếc nuối là bức phù điêu được đặt ở một phố ít người qua lại, nếu không có thông tin trên cơ quan truyền thông thì ít người biết thành phố Bắc Ninh vừa khánh thành bức phù điêu nghệ thuật này. Không gian trước bức phù điêu giới hạn bởi gò đất cao trồng hàng trăm cây thông, phía sau Đài tưởng niệm liệt sĩ, nên tầm nhìn bị hạn chế, người muốn chụp ảnh toàn cảnh bức phù điêu bị hàng cây bên gò đất tượng đài liệt sĩ che chắn... Nhiều người đã xem bức phù điêu đều có chung mong muốn là bức phù điêu này nếu được đặt ở một không gian thoáng đãng hơn, trên đường phố rộng hơn, thuận tiện cho người dân và khách thập phương được chiêm ngưỡng, thì giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bức phù điêu sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn.
Có ý kiến cho rằng giá như bức phù điêu đặt ở đầu hai hàng cây trên đường Lý Thái Tổ, (sau tượng đài Lý Thái Tổ) thì vừa là nền, vừa gắn kết giá trị tư tưởng của bức phù điêu với tượng đài, tôn thêm vẻ đẹp hoành tráng, uy nghi tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Đường Lý Thái Tổ là con đường lớn, nhiều người qua lại, kể cả người trong tỉnh và khách thập phương; khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là nơi tổ chức nhiều sự kiện của tỉnh và thành phố. Do đó sẽ có nhiều người được chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật, giá trị của bức phù điêu sẽ được lan tỏa rộng rãi, góp phần quảng bá hình ảnh một miền quê trầm lắng nhiều tầng văn hóa.