Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TW sáng 26/9, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết, hiện tại, bão Haitang (bão số 4) mạnh cấp 8, chỉ còn cách ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi hơn 300km về phía Đông. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây - Tây Bắc với tốc độ 10-15km mỗi giờ. Với tốc độ này, đến rạng sáng 27/9, bão sẽ áp sát ven bờ Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nước lũ đang dâng lên nhanh, đe dọa nghiêm trọng vùng đầu nguồn.
Có khả năng bão chồng lên bão và lũ kéo dài
Báo cáo tại cuộc họp đánh giá và triển khai ứng phó với tình hình bão số 4 và lũ đang lên rất cao tại ĐBSCL, ông Hải cho biết thêm, diễn biến mưa bão những ngày tới đáng lo ngại hơn bởi sự xuất hiện của cơn bão mạnh Nesat. Trong ngày 26/9, bão sẽ mạnh lên cấp 12, nhiều khả năng bão Nesat sẽ ảnh hưởng tới nước ta.
![]() Bão Haitang ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế từ đêm 26/9. Ảnh: NCHMF |
Trong khi bão Haitang đang tiến vào miền Trung thì lũ ở ĐBSCL đã vượt báo động 3 ở Tân Châu và ngấp nghé ngưỡng này ở Châu Đốc, đe dọa hàng trăm nghìn ha lúa vụ 3.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị, trong ngày 26/9, các tỉnh miền Trung cần khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ, sắp xếp tàu ven bờ, tránh để đắm ở nơi neo đậu. Trên bờ người dân cần chằng chống nhà cửa ứng phó với bão và đề phòng mưa lũ sau bão. Vừa có chuyến thực địa tại ĐBSCL cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, tình tình ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Nước lũ ở các sông lên thì nước nội đồng còn dềnh cao hơn, đặc biệt ở vùng đầu nguồn Đồng Tháp, An Giang. Mặc dù năm nay đường sá, khu dân cư ở khu vực này được đầu tư xây dựng, người dân trú tránh thuận tiện hơn song điều đáng lo ngại là hơn 500.000 hécta lúa đang bị đe dọa. Do đó cần huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3, đặc biệt là chống lũ, cứu lúa tại An Giang và Đồng Tháp. Các địa phương cần chủ động di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín.
![]() Nước lũ ngày càng lên cao ở đầu nguồn sông Cửu Long. |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay trong sáng ngày 26/9 Bộ Y tế đã có liên tiếp hai công điện khẩn gửi ngành y tế các địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng của bão, lũ chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp để đảm bảo công tác y tế trong bão, lũ…
Tại các địa phương, tinh thần chống bão lũ của y tế cũng rất khẩn trương. Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS sáng ngày 26/9, BS. Phan Thị Ninh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay trong đợt mưa lũ trước, ngành y tế tỉnh đã chủ động lên phương án đảm bảo công tác y tế trong các tình huống mưa bão, đặc biệt tại các huyện miền biển, miền núi. Để nâng cao hiệu quả công tác ứng cứu y tế, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân vùng bị ảnh hưởng bão lũ, ngành y tế Hà Tĩnh đã yêu cầu y tế các huyện vùng biển, vùng núi chịu ảnh hưởng nhiều của bão, mưa, lũ, sạt lở đất; lên kế hoạch cụ thể và thực hiện ứng cứu hỗ trợ y tế giữa các huyện liền kề. Ngay trong ngày 26/9, 3 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo Sở dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng cứu y tế tại các huyện, thị trọng điểm có khả năng bị ảnh hưởng lớn của mưa bão. Bác sĩ Ninh cũng cho biết thêm, ngành y tế tỉnh cùng các huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, khử khuẩn nước nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị… sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới khi có nhu cầu.
Tại Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, BS. Nguyễn Dung cho biết, đến sáng 26/9, ngành y tế tỉnh đã đồng loạt triển khai các biện pháp đảm bảo công tác y tế trong mưa bão và lên kế hoạch khắc phục “hậu” bão như vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh... Hiện tại 5 đội cấp cứu y tế cơ động cấp tỉnh đã được thành lập để sẵn sàng chi viện cho tuyến dưới. Ngoài ra, ngành y tế mỗi huyện, thị cũng đã thành lập 2 đội cấp cứu cơ động để cùng với y tế cố định chủ động triển khai công tác y tế trong mưa bão. Để thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất trong mưa bão, ngành y tế Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các bệnh viện vùng trũng, thấp có khả năng bị ngập lụt nắm chắc danh sách các sản phụ gần sinh để có phương án đưa lên sinh tại các bệnh viện ở khu vực cao.
Tại Công điện số 5917/CĐ-BYT và 5925/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các tỉnh khu vực ĐBSCL cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế ở các khu vực này, Bộ Y tế yêu cầu y tế các tỉnh cần chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của mưa bão, lũ; phát huy phương châm 4 tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết xấu gây ra. Sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp có nguy ngập úng. Riêng Sở Y tế các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra; đội cấp cứu cơ động luôn sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh… Đặc biệt, Bộ Y tế cũng yêu cầu y tế các địa phương cần hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn, cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với tình huống mưa lũ lớn gây chia cắt dài ngày. Cũng trong sáng 26/9, Bộ Y tế đã cấp xuất hàng hóa phục vụ công tác phòng chống mưa lũ cho ngành y tế các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Long An, An Giang, Đồng Tháp. Mỗi tỉnh được cấp xuất 100 áo phao, 20 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 200.000 viên chloramin B. |
THÁI BÌNH - THANH XUÂN