Phát hoảng vì “lóng hóa” ngôn ngữ !?

12-10-2012 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ trước đến nay, sự phong phú của tiếng Việt được ví như đại dương mênh mông, người ngoại quốc muốn học tiếng Việt thì có lẽ 5 năm đèn sách cũng không thấm thía hết,

(SKDS) - Từ trước đến nay, sự phong phú của tiếng Việt được ví như đại dương mênh mông, người ngoại quốc muốn học tiếng Việt thì có lẽ 5 năm đèn sách cũng không thấm thía hết, chính vì thế mà họ “nể” tiếng Việt lắm và đó cũng là niềm tự hào của người Việt Nam. Thế nhưng, tiếng Việt đang bị uy hiếp...

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã và đang gián tiếp làm hỏng tiếng Việt, khi mà con người viết mà không cần bút, đọc mà chẳng cần sách thì đó cũng là lúc vốn tiếng Việt bị “uy hiếp” một cách trầm trọng, thay vào đó là sự phát triển vô tội vạ của tiếng lóng. Thế mới có chuyện không ít bậc phụ huynh khi mày mò vào những trang báo tuổi teen thì hốt hoảng, vì khi đọc họ chẳng hiểu gì.

Ai chịu trách nhiệm về vấn đề ngôn ngữ tiếng Việt đang bị “lóng hóa” như hiện nay? Có thể tiếng lóng xuất phát từ nhiều cá nhân thích sự lạ lẫm, mới mẻ rồi mới lan tỏa đến số đông, nhưng người viết chính là chiếc cầu vô hình mang tiếng lóng đến mọi ngõ ngách của đời sống văn hóa. Hãy xem những cây viết thiếu trách nhiệm đã và đang cổ xúy cho tiếng lóng như thế nào: Mỹ nữ A méo mặt vì “dao kéo”; Ca sĩ B hứng “đá tảng” vì hát nhép; Bộ trang phục của diễn viên C thật “khó đỡ”...

 “Sự sáng tạo” quá đà trong ngôn ngữ đã gây thảm họa cho tiếng Việt.
“Nặng” hơn và “khó đỡ” hơn thì: Ca sĩ D, người mẫu E đúng là “thảm họa”. Tiếc là từ “thảm họa” được sử dụng nhiều không phải bởi người cầm bút mà chính là những phát ngôn của người trong giới giải trí. Trước đó, từ “thảm họa” không làm người ta cảm thấy khó chịu đến thế vì nó ít được nhắc đến và nếu có nhắc đến thì đó cũng là những trường hợp hợp lý như: thảm họa trái đất; thảm họa chiến tranh... chứ không ai nói người của công chúng là thảm họa.
 
Đáng buồn hơn, người phát ngôn lại chính là đồng nghiệp của cô... Từ “thảm họa” trở nên phổ biến trong giới giải trí và nó khiến người ta phát điên! Một trường hợp gần đây nhất lạm dụng từ “thảm họa” chính là ca sĩ trẻ Thanh Trúc - top 10 Vietnam Idol - vừa chân ướt chân ráo bước vào làng giải trí đã ngay lập tức bị BGK “răn đe” vì cô lỡ miệng chê Bảo Anh – gương mặt sáng của The Voice: “Có những mầm mống thảm họa cũng không thua kém gì, đó là càng ngày người trong giới giải trí càng ít tôn trọng đồng nghiệp của mình hơn, và hay soi mói chuyện người khác hơn là tập trung vào công việc của mình. Tôi hy vọng rằng ở những vòng sau em phải chứng minh bằng đúng tài năng thực lực của em nhiều hơn để có thêm khán giả”.

Tuy nhiên, sự phóng khoáng của ngôn ngữ không chỉ dừng lại ở đó, nguy hại hơn chính là sự lạm dụng ngôn ngữ. Cách đây không lâu, cộng đồng mạng rộ lên khái niệm “sát thủ”. Có bậc phụ huynh vì quá bức xúc với sự lạm dụng ngôn ngữ của người cầm bút đã chia sẻ: Vì sao xã hội ngày nay có nhiều tội phạm tuổi teen như thế? Có phải vì các em đang bị ám ảnh bởi trào lưu “sát thủ”. Đọc hàng loạt tin, bài về những vụ án hình sự liên quan đến trẻ vị thành niên, tôi thấy họ (người viết) đang sử dụng từ “sát thủ” như một thứ trào lưu mà chính bản thân họ đang hiểu sai về từ này. Không ít người trong giới trẻ cho rằng “sát thủ” là một thứ “mốt” và cũng không ít hành vi tội ác xảy ra chỉ vì đua đòi theo... mốt.

Không chỉ xuất hiện trên những trang báo mạng, ngôn ngữ kiểu “sát thủ đầu mưng mủ” đang phổ biến ở mọi ngõ ngách đời sống. Thậm chí, những thành ngữ của người xưa với ý nghĩa, hình tượng tương đối chính xác được dùng để ví, để so sánh với những hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày thì nay đã bị bóp méo thành những câu có vần nhưng vô nghĩa, thiếu nghĩa hoặc nghĩa bị méo mó đến phản cảm, ví dụ câu “Một điều nhịn là chín điều lành” đầy thân thiện thì bị biến tướng thành ra câu “Một điều nhịn là chín điều nhục” đầy gây chiến; Hay những câu giàu lòng nhân ái cộng đồng như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” nay lại là “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”; Rồi những lời răn dạy về đường ăn nết ở ý tứ “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” thì biến tướng một cách thô lỗ là “Ăn trong nồi ngồi trong xó”...

A dua theo trào lưu này chính là giới trẻ trong khi người lớn tuổi cảm thấy phẫn nộ nhưng... bất lực. Đối với người nước ngoài, việc sinh sống tại Việt Nam chính là thách thức lớn bởi họ phải hòa nhập được với lối sống bản địa. Nhưng tại sao cùng là người Việt với nhau mà ngôn ngữ giữa các thế hệ cũng khó “hòa nhập”, đó là một chuyện vô cùng mâu thuẫn. Đâu rồi hình ảnh những con cò miệt mài kiếm ăn, đâu rồi hình ảnh người mẹ một nắng hai sương... Thay vào đó là những câu khẩu ngữ hài hước, phù phiếm đang chiếm lĩnh tâm hồn người trẻ.
 
Đã đến lúc mỗi cá nhân hãy tự gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cho chính bản thân mình. Bởi lẽ tiếng Việt chính là gốc rễ, là văn hóa, là tâm hồn của người Việt Nam. Hỡi những ai đang cầm bút – những “cỗ máy” đang ngày đêm mang văn hóa đến mọi ngõ ngách của đời sống, hãy sử dụng cái hay, cái đẹp của tiếng Việt thay vì lạm dụng tiếng lóng.

Hoàng Hưng


Ý kiến của bạn