Phát hoảng vì đi taxi “dù”

21-02-2011 11:13 | Thời sự
google news

Không ai thống kê được có bao nhiêu chiếc taxi dù được nhái rất giống taxi các hãng lớn, ngang nhiên hoạt động trên nội thành Hà Nội và các tài xế taxi dù dùng nhiều chiêu quái hù dọa, ép giá, buộc khách đi xe phải trả mức giá cao ngất ngưởng.

Được nhái giống hệt như các hãng taxi chuyên nghiệp có uy tín, từ màu sơn xe, các trang trí bên thân xe, gắn mác hãng lớn, giả mạo đồng phục của lái xe, thậm chí cả số điện thoại…  những thủ đoạn tinh vi của các lái xe taxi dù  khiến người dân không thể phân biệt được taxi hãng và taxi dù. Chỉ khi lên xe, nhìn đồng hồ tính tiền và  thái độ xấc xược của lái xe, khách hàng mới hoảng vì các kiểu ép giá “móc túi” người dân của các taxi dù.

Căng thẳng và sợ hãi

Tối ngày 15/2/2011, do trời mưa nặng hạt, gia đình lại đang có việc gấp, nên chị H.N ở phố Nguyễn Lương Bằng vội đi ra ngoài phố vẫy taxi. Đứng chờ khoảng 5 phút, một chiếc taxi là xe Hyundai getz 4 chỗ màu ghi có dán số 638 trên kính xe, tấp vào lề đường. Chị H.N mừng thầm vì không phải đợi lâu. Lên xe, chị kêu lái xe đưa đến Ô Đống Mác. Đi được chừng 100m, chị H.N thấy lái xe đội mũ sùm sụp, không bật đồng hồ tính tiền, nhìn trên xe không thấy dán bảng niêm yết cước phí của hãng. Chị yêu cầu lái xe bật đồng hồ tính tiền, lái xe đáp: “Cước là 11.000đ/km, chỉ áng chừng km để tính tiền thôi”(trong khi giá cước taxi của các hãng với loại xe này là 9.000đ/km). Thấy lái xe nói với khách rất mất lịch sự, lúc vội lên xe lại chưa kịp nhìn xe của hãng taxi nào, chị H.N biết mình đã đi phải taxi dù. Đi chừng 500m, chị tính chuyện xuống xe, nhưng lái xe bảo xuống xe ngay thì cũng phải mất tiền phí mở cửa 25.000đ, vả lại, chị sợ nhỡ việc nên đành đi tiếp, dù ngồi trên xe chị cảm thấy rất lo lắng. Quãng đường không xa nên chẳng mấy chốc cũng đến nơi. Lái xe yêu cầu chị trả 70.000đ. Chị H.N xuống xe cho đỡ sợ và bảo hắn: “Tôi vẫn thường đi quãng đường này chỉ 4km, hết chưa đến 40.000đ, nay tôi trả cả 45.000đ”. Tay lái xe nhất quyết không chịu vì hắn bảo theo đồng hồ trên xe là hơn 6km nên yêu cầu chị trả đủ. Giữa trời mưa, tối, đường ngõ lại vắng vẻ, chị H.N không muốn đôi co dài dòng, nên rút tờ 100.000đ ra trả. Tay lái xe biết chị đang vội việc nên hắn cứ lục hết túi nọ đến túi kia vờ không có tiền lẻ trả lại. Hắn mở cửa xe kêu chị đứng chờ để hắn đi đổi tiền. Nhìn theo cái dáng xiêu vẹo và đôi mắt lờ đờ như gà lên chuồng của tay lái xe, chị có cảm giác hắn là con nghiện, nên chị sợ quá đi luôn, không chờ hắn quay lại trả tiền.

Một taxi dù được nhái rất giống taxi hãng.

Không riêng gì chị H.N mà rất nhiều người gặp phải taxi dù một lần thì lần sau còn nhớ mãi.Anh Tân, một hành khách thường xuyên đi tàu  tuyến Huế - Hà Nội, bức xúc: “Do công việc, nhiều lần tôi phải đi chuyến tàu về đến Hà Nội lúc sáng sớm. Tôi thường  phải gọi người nhà đến đón chứ không dám đi taxi, vì sợ gặp phải taxi dù. Tiền mất là một chuyện, đi xe còn có cảm giác không an toàn. Ngày trước, tôi đã nhiều lần gặp phải taxi dù, đi từ ga Hà Nội về đường Láng Hạ chưa đến 5km nhưng phải trả đến trên 100.000 đồng.”

Đừng để taxi dù “móc túi “người dân

Hà Nội hiện có khoảng 14.000 đầu xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Phần lớn, số xe trên hoạt động trong nội thành, thế mà vào những ngày mưa, giá rét hay quá nóng, khi cần cũng rất khó để gọi được một chiếc taxi. Lượng taxi qua mỗi năm gia tăng nhanh do nhu cầu taxi tại nội thành Hà Nội ngày càng lớn. Nhu cầu thị trường lớn là dịp để taxi dù có đất hoạt động.

Theo Nghị định 34 có hiệu lực từ ngày 20/5/2010, mức phạt cho hành vi nhái nhãn hiệu, xe không đúng biểu trưng so với đăng ký đã tăng lên mức từ 2,5 - 3 triệu đồng (so với trước đây từ 1 - 2 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với kiểu làm ăn chụp giật của các taxi nhái như không cần đăng ký thương hiệu, đồng hồ tính cước không chuẩn, nhiều lúc còn ngã giá với khách... thì chỉ cần vài ngày đưa khách, những taxi này có thể kiếm đủ tiền nộp phạt.

Nhìn bề ngoài xe, rất khó để phân biệt được taxi hãng và taxi dù. Chỉ đến khi lên xe nhìn những niêm yết đồng hồ xe không được rõ ràng thì hành khách mới biết mình đã đi phải taxi dù. Ở taxi dù, những chiếc đồng hồ không có tem kiểm định, đồng hồ không niêm phong chì, không có bộ đàm, lái xe không đeo thẻ, phù hiệu... Trên thực tế, có rất nhiều chủ xe làm hợp đồng với các doanh nghiệp taxi uy tín, hằng tháng đóng phần trăm cho doanh nghiệp rồi vẫn chạy xe dưới hình thức taxi dù. Đồng hồ trên xe đã được điều chỉnh với mức chạy siêu tốc gấp đôi đồng hồ chuẩn, nên khách đi phải những chiếc xe này chẳng khác nào biết có kẻ cắp móc túi mà vẫn phải chịu. Với những khách đi xe là nam giới, khi gặp phải taxi dù còn dám lời qua tiếng lại với tài xế, chứ chị em phụ nữ và người già, dù biết bị tính tiền sai nhưng khi thắc mắc còn bị lái xe ép và dọa nên đành phải trả những giá rất cắt cổ. Chưa tính đến chuyện nhiều tài xế xe dù không được tuyển chọn nên khi đi đường họ phóng nhanh, vượt ẩu, phanh gấp, khiến khách đã lo lắng lại càng thêm sợ hãi.
Taxi là phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân đô thị. Để bảo vệ quyền lợi của người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài thật mạnh để phạt và tiến tới giải quyết dứt điểm nạn taxi dù ngang nhiên “móc túi” người dân hiện nay.          
  Song Nhi

Ý kiến của bạn