Phát hiện vật thể khả nghi cách đảo Thổ Chu 100 km

09-03-2014 15:18 | Quốc tế
google news

Chiều nay 9.3, một vật thể khả nghi đã được phát hiện cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc 100 km. Phía Malaysia đề nghị Việt Nam đưa gấp một tàu biển ra khu vực này để tìm kiếm.

Chiều nay 9.3, một vật thể khả nghi đã được phát hiện cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc 100 km. Phía Malaysia đề nghị Việt Nam đưa gấp một tàu biển ra khu vực này để tìm kiếm.

 

Tổ bay của máy bay AN 26 số hiệu 286 bay ra vịnh Thái Lan tìm kiếm máy bay bị nạn vào sáng 9.3 - Ảnh: Trung Hiếu

[14 giờ 45] Các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn quốc tế (Malaysia và Singapore) phát hiện vật thể khả nghi ở tọa độ 08o21'36 E, 103o13'30 N, cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc 100 km, phía nam - tây nam.

Cùng lúc đó phía Malaysia đề nghị Việt Nam đưa gấp một tàu biển ra khu vực này để tìm kiếm.

[14 giờ] Malaysia đã mở rộng phạm vi tìm kiếm về phía quốc gia này. Phía Việt Nam cũng mở rộng tìm kiếm ở khu vực đảo Thổ Chu và vùng biển Cà Mau.

Trong khi đó, Mỹ vừa điều động máy bay săn ngầm sang hỗ trợ tìm kiếm, máy bay này có thể phát hiện được kim loại.

[13 giờ 50] Phóng viên Mai Hà cho hay sở chỉ huy của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không vừa thông báo máy bay Singapore đã tiếp cận được với vết dầu loang, nhưng không phải vết dầu bất thường mà nghi là dầu từ tàu cá. Họ lý giải rằng vì mật độ tàu cá ở đây khá dày đặc, nên nhiều khả năng đây là dầu của tàu cá.

Chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ chủ trì cuộc họp tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn VN về các phương án tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích.

Trong trường hợp tìm thấy máy bay mất tích, VN sẽ chủ trì trong công tác điều tra.

[13 giờ 30] Trao đổi với Thanh Niên Online, thượng tá Nguyễn Hữu Nhịp, hải đoàn phó, tham mưu trưởng hải đoàn 28 biên phòng đóng tại bến phà Rẻo Rô, An Biên, Kiên Giang cho biết hải đoàn cũng đã nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Biên phòng, chuẩn bị 2 tàu sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia ứng cứu vụ máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển khi được lệnh điều động.

[13 giờ 28] Phóng viên Độc Lập cho biết chiếc thủy phi cơ DHC6 từ Cam Ranh (Khánh Hòa) đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). 10 phút sau, chiếc thủy phi cơ này tới Cà Mau làm nhiệm vụ.

 

Chiếc thủy phi cơ được điều động tham gia tìm kiếm - Ảnh: Độc Lập

[12 giờ 15] Dự kiến 2 trực thăng khác của Việt Nam cất cánh từ sân bay Cà Mau lên đường tìm kiếm.

Vị trí xác định tại vùng biển tìm kiếm là 7 độ 27 phút, 40 giây vĩ độ Bắc, 102 độ 58 phút 48 giây kinh độ đông, cách mũi Cà Mau 308 km, cách nhà giàn DK1 -10 108 km, theo phương vị 232 độ về hướng Tây nam.

Độ cao bay dự kiến là 500 m, tốc độ bay 200 km/giờ.

 

Lực lượng chức năng của Việt Nam đã tiếp cận được điểm nghi máy bay rơi. Vết có màu sẫm (ảnh lớn do thành viên trong đoàn tìm kiếm cung cấp) nghi là vết dầu loang và chiếc máy bay Boeing B777 của Malaysia Airlines (ảnh nhỏ, ảnh AFP)

[10 giờ 47] Chính quyền Malaysia đang đợi kết quả những hình ảnh vệ tinh mới nhất với kỳ vọng tìm ra máy bay mất tích, theo trang tin The Malaysian Insider.

[10 giờ 45] Ở cuộc họp báo sáng nay tại Cục Hàng không VN, ông Đinh Việt Thắng, Cục phó Cục Hàng không VN nhận định: Việc đánh giá tình huống máy bay mất tích rất chậm. Các cơ quan hàng không thường hay sử dụng phần mềm trên mạng internet nhưng không chính xác, nhiễu loạn thông tin trong xác định tình huống. Phải đến 8 giờ sáng 8.3, phía Malaysia mới xác định thông tin tìm kiếm nguy cấp (xem thêm chi tiết)

Ông Thắng cho biết thêm Mỹ sẽ cử 1 máy bay PC3 để bay dọc vùng tìm kiếm.

Vùng biển tại khu vực tìm kiếm sâu 50 - 60 m.

Nghi vấn trong cuộc họp này đang tập trung nhiều vào khủng bố, sau khi loại trừ các yếu tố kỹ thuật, thời tiết.

 

Vết dầu loang đáng ngờ lên biển đã loang rộng hơn trong ngày 9.3 - Ảnh: Trung Hiếu

 

[10 giờ 40] Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết đã gửi một nhóm nhân viên đến châu Á để giúp điều tra vụ việc.

Nhóm này bao gồm các cố vấn kỹ thuật từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ và từ tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, vốn là hãng chế tạo chiếc máy bay mất tích.

“Một khi địa điểm của chiếc máy bay được xác định, thì sẽ căn cứ theo quy định Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế để quyết định xem nước nào chủ trì cuộc điều tra”, theo thông báo của NTSB. (xem thêm chi tiết)

 

Xuất hiện tàu trong vùng biển nghi vấn chiếc máy bay gặp nạn - Ảnh: Trung Hiếu

[10 giờ 20] Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, tính đến thời điểm này đã có 16 máy bay và 35 tàu biển của các nước phối hợp tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo Thanh Niên

 

 

 

 

 

 

 

6 giờ 45 máy bay AN 26-286 bắt đầu xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tìm kiếm, dự kiến mất 1 tiếng đồng hồ để đến khu vực tìm kiếm - Ảnh: Độc Lập

 

[7 giờ] Sáng nay 9.3, đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Cảnh sát biển vùng 4 cho biết tối qua hai tàu Cảnh sát biển của vùng 4 là CSB 2001 và CSB 2002 đã tiếp cận được khu vực nghi chiếc máy bay Boeing B777-200ER bị rơi tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia.

Suốt đêm qua 2 tàu CSB 2001 và CSB 2002 đã tổ chức triển khai các hoạt động tìm kiếm bằng việc sử dụng camera hồng ngoại và camera quan sát đêm cùng nhiều trang thiết bị hiện đại khác.

Hai tàu này đã chạy quanh vùng biển được xác định máy bay có thể bị nạn trong phạm vi hơn 130 km2 và tại khu vực phát hiện có vết dầu loang nhưng vẫn chưa phát hiện được gì tại hai khu vực trên.

 

 

 

 

Tiếp nhiên liệu cho chiếc trực thăng Mi 171 tại sân bay Cà Mau vào lúc 4 giờ sáng nay để chuẩn bị cho công tác tìm kiếm khi mặt trời lên - Ảnh: Tiến Trình

 

Hai tàu Cảnh sát biển vùng 4 được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn như xuồng cao tốc, phao cứu sinh, các thiết bị vật tư y tế hiện đại...

Theo đại tá Quyết hai tàu CSB 2001 và CSB 2002 đến khu vực nghi máy bay gặp nạn và triển khai tìm kiếm đầu tiên.

 

 

 

Sáng nay, các chuyến bay AN 26 số hiệu 268 và AN 26 số hiệu 261 tiếp tục cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất để bay đến khu vực nghi máy bay của Malaysia gặp nạn để tìm kiếm.

Lúc 7 giờ 18 máy bay AN 26-261 cất cánh, phóng viên Độc Lập đang trên chuyến bay này sẽ cập nhật thông tin liên tục đến bạn đọc. Trong khi đó, phóng viên Trung Hiếu cũng đang trên máy bay AN 26-268 đến khu vực tìm kiếm.

 

 

Lúc 5 giờ 30, bộ chỉ huy họp triển khai phương án tìm kiếm - Ảnh: Độc Lập

 

Hoàng Quyên (ghi)

 

Nhóm PV Thanh Niên Online


Ý kiến của bạn