Phát hiện và xử lý tham nhũng

28-03-2016 08:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Phòng và chống tham nhũng liên quan tới sự sống còn của chế độ và sự phát triển đất nước đang được toàn Đảng, toàn dân thực hiện với những biện pháp quyết liệt. Thế nhưng tham nhũng bị đẩy lùi chưa được như sự mong đợi bởi phát hiện ra tham nhũng đã khó, xử lý tham nhũng càng khó hơn.

Tham nhũng là những hành vi trong bóng tối, không công khai, phát hiện đã khó nay tham nhũng không đơn lẻ cá nhân mà có sự câu kết của cả nhóm người vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nên càng không dễ. Tuy nhiên, không dễ nhưng không phải tham nhũng không thể không phát hiện bởi “gót chân Asin” nằm ngay trong từ đầu tiên là “tham”. Đã tham sẽ có những liên minh ma quỷ nhưng cũng chính vì tham nên lợi lộc chia không thể vừa lòng kẻ tham khiến sự câu kết phát sinh mâu thuẫn. Thực tế như người dân thường nói, chỉ khi nào nội bộ một cơ quan, tổ chức xảy ra mâu thuẫn thì những vụ việc tham nhũng mới bị lộ ra. Khi chưa có mâu thuẫn thì nói chung không ai lại tự đi tố cáo tham nhũng để ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Điểm yếu thứ hai của tham nhũng dễ lộ ra ở kết quả tham nhũng. Không ai đem tiền của tham nhũng được chôn xuống  đất vì tham nhũng  để hưởng thụ. Nhà cửa, tài sản bất minh, sự tiêu pha bừa bãi sẽ tự tố cáo kẻ tham nhũng. Việc kê khai tài sản là “kính chiếu yêu” soi vào kết quả tham nhũng nếu làm nghiêm túc.

Phát hiện đã khó, xử lý tham nhũng lại khó muôn phần. Khi đối tượng tham nhũng bị phát hiện và tố giác thì cấp trên, nếu dính đến tham nhũng hoặc có quan hệ tình cảm sẽ “thông cảm” để có các biện pháp bao che, làm giảm nhẹ các hình thức xử lý. Vì vậy, việc phát hiện và đưa ra ánh sáng thường rất ít từ trong nội bộ, tổ chức. Xảy ra tham nhũng trước hết là do người đứng đầu của các cơ quan chưa sâu sát thực hiện vai trò của mình nên không phát hiện tham nhũng ngay trong chính cơ quan mình hoặc chỉ  có thể là có sự câu kết, “bật đèn xanh” nào đó. Tạo lập được một xã hội trong sạch phải bắt đầu từ người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức với trách nhiệm rõ ràng trước tham nhũng nếu xảy ra tại cơ quan, tổ chức do mình phụ trách, quản lý.

Bên cạnh đó, cần có sự giám sát chặt chẽ với một cơ chế không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng. Không có một cơ chế chống tham nhũng thì dù có những cơ quan độc lập chống tham nhũng cũng khó có thể phát hiện và xử lý. Chống tham nhũng chỉ có thể đạt được thành công nếu có sự tham gia của toàn dân. Trước hết là sự minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân. Cụ thể, khi bầu cử Quốc hội, HĐND phải minh bạch lý lịch, tài sản của các ứng cử viên để dân đối chiếu, giám sát.

Bản chất của sự minh bạch là thực hiện “trách nhiệm giải trình”, tức là chính quyền phải giải thích, trình bày và trả lời những câu hỏi “tại sao” của dân. Ví dụ khi dân hỏi tại sao phải chặt cây, nhà thầu này nọ thắng thầu đặt ống nước cả trăm km từ sông Đà về Hà Nội thì phải được trả lời. Giải trình của chính quyền không thỏa đáng thì việc định làm phải dừng lại. Có vậy mới ngăn chặn được việc làm không đúng, đồng thời cũng ngăn chặn được nguy cơ tham nhũng. Chỉ có công khai minh bạch và dân chủ vậy mới có được những người tài, có đạo đức tốt vào hệ thống công quyền, những người có vị trí quan trọng trong xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần những biện pháp bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng song không chỉ mang tính động viên, phụ trợ mà phải thành cơ chế. Nếu không thì việc khuyến khích, kêu gọi người dân tố cáo, phát hiện tham nhũng chưa thể phát huy tác dụng hiệu quả.

Với quyết tâm phòng chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta tin rằng đất nước sẽ thoát khỏi tụt hậu, vững bước tiến lên trong thời kỳ hội nhập mới.


Lê Quý
Ý kiến của bạn