Thông tin trên được PGS.TS. Đoàn Cao Sơn, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết tại Hội thảo "Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm năm 2021, định hướng công tác năm 2022 và Tổng kết Chương trình thử nghiệm thành thạo năm 2021" mới đây.
Tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng và tỷ lệ thuốc giả ở mức thấp so với các nước trong khu vực
Trong năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc tăng cường trang thiết bị phân tích, triển khai áp dụng và duy trì hiệu lực công nhận các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng phòng thí nghiệm trong Hệ thống kiểm nghiệm thuốc toàn quốc ngày càng được chú trọng; công tác thiết lập chất chuẩn – chất đối chiếu, dược liệu chuẩn cùng với công tác tiêu chuẩn hóa chất lượng thuốc được đẩy mạnh…
Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Hệ thống kiểm nghiệm với Quản lý Dược, Quản lý Y, Dược cổ truyền và Thanh tra Dược dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế và các Sở Y tế đã duy trì chất lượng thuốc trên thị trường ổn định và được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng và tỷ lệ thuốc giả ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn cả nước
PGS.TS. Đoàn Cao Sơn cho biết thêm, trong năm 2021, Hệ thống Kiểm nghiệm toàn quốc đã kiểm tra chất lượng được trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu; phát hiện 338 mẫu không đạt chất lượng. Trong đó có 126/26.846 mẫu tân dược không đạt chất lượng (chiếm 0,47%), có 118/28.659 mẫu thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 0,41%), có 26/3.042 thuốc nước ngoài (chiếm 0,86%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng…
Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm đã phát hiện số lượng mẫu thuốc nghi ngờ là thuốc giả là 20 mẫu (tăng 11 mẫu so với năm 2020). Trong đó, các thuốc nghi ngờ bị làm giả tập trung vào các hoạt chất sau: Cloramphenicol, tetracyclin, vitamin D3, salbutamol, terpin/codein; được phát hiện ở 8 tỉnh/thành phố Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Đồng thời, số mẫu dược liệu không đạt chất lượng, đặc biệt là dược liệu nhầm lẫn/giả mạo giảm nhiều so với các năm trước (chỉ phát hiện 4 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo)...
Trong thời gian tới, PGS.TS. Đoàn Cao Sơn cho hay, Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn cả nước nhằm đảm bảo thuốc đến tay người dùng có chất lượng, hiệu lực và an toàn. Đồng thời, xây dựng và triển khai Dự án đầu tư nâng cao năng lực của Hệ thống Kiểm nghiệm thuốc theo "Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ".
Ngoài ra, tiếp tục duy trì quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC-17025 và GLP đối với các đơn vị đã đạt các tiêu chuẩn này; Tiếp tục xây dựng và cải tạo các Trung tâm Kiểm nghiệm còn lại để các Trung tâm này đạt tiêu chuẩn ISO/IEC-17025 và GLP; Tăng cường thiết lập chất chuẩn, chất đối chiếu để mở rộng danh mục hoạt chất được kiểm soát chất lượng, đặc biệt là các thuốc điều trị COVID-19…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hậu COVID-19 ở trẻ nhỏ: Đi khám hay tự chữa?