Phát hiện và phòng bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ em

31-10-2019 10:46 | Đời sống
google news

SKĐS - Hiện nay, tại một số bệnh viện ở các tỉnh thành trên cả nước xuất hiện bệnh viêm mao mạch dị ứng. Đối tượng chủ yếu mắc bệnh là các em nhỏ dưới 10 tuổi.

Đây là bệnh cảnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phát ban khác.

Viêm mao mạch dị ứng không phải là một loại bệnh mới, tuy nhiên bệnh cũng hiếm gặp nên gây hoang mang, lo lắng cho không ít phụ huynh trong quá trình tìm hiểu và điều trị căn bệnh này.

Vậy, bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì? Nguyên nhân gây bệnh? Cách điều trị bệnh ra sao?

Khái niệm bệnh viêm mao mạch dị ứng

Bệnh viêm mao mạch dị ứng là bệnh thứ phát cấp tính, nguyên nhân chủ yếu do dị ứng. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, do có sự phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể diễn ra trên lớp nội mạc mạch (chủ yếu là mao mạch).

Phản ứng kháng nguyên và kháng thể này sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học, đồng thời xuất hiện sự lắng đọng phức hợp miễn dịch tại lớp niêm mạc của mao mạch. Chất trung gian hóa học và phức hợp miễn dịch này sẽ làm tổn thương, tăng tính thấm thành mao mạch gây hiện tượng thoát quản (xuất huyết).

Bệnh còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ.

Phát hiện và phòng bệnh viêm mao mạch dị ứng ở trẻ emBệnh viêm mao mạch dị ứng

Triệu chứng

Các biểu hiện hay gặp nhất là nổi ban xuất huyết dưới da dạng chấm và nốt ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi… không ngứa.

Triệu chứng còn kèm theo sưng đau khớp, đau bụng, buồn nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm cầu thận, đi tiểu ra máu.

Một số biểu hiện hiếm gặp có thể xảy ra khác như: viêm cơ tim, viêm tinh hoàn, hôn mê, co giật.

Nguyên nhân gây bệnh

Không lệ thuộc vào tác động cơ học (không phải do sang chấn) mà liên quan tới cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, thức ăn lạ, thay đổi thời tiết…

Khi cơ thể nhiễm một số chủng vi khuẩn hoặc virút như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Varicella virus, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter...

Một số nguyên nhân khác chưa xác định được.

Lứa tuổi mắc bệnh

Bệnh thường gặp ở trẻ em, người trẻ tuổi với 75% các trường hợp xảy ra trước 16 tuổi.

Tỉ lệ mắc bệnh ở nam nhiều gấp 2 lần so với nữ.

Bệnh thường xuất hiện ở mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, mông, đùi... và thường nặng lên về mùa xuân.

Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng chủ yếu dựa vào chống dị ứng, bảo vệ thành mạch, nếu xuất huyết gây thiếu máu nhiều sẽ có chỉ định bổ sung hồng cầu hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ được dùng kháng sinh điều trị.

Bổ sung vitamin C và chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh.

Ngoài ra,chúng ta cần lưu ý: một số người nhất là người bệnh quan niệm bệnh này do phong, máu độc… và thường dẫn đến sai lầm trong điều trị như: chích lể, đắp cây thuốc... theo người khác truyền miệng… Tại sao chúng ta lại đem con trẻ hay người nhà chúng ta ra thử nghiệm hay chơi trò may rủi về sức khỏe hay sinh mạng?

Khi trẻ  có ghi vấn bệnh viêm mao mạch dị ứng, nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chuyên gia hướng dẫn, chăm sóc.


BS. LÊ THIÊN KIM HỮU
Ý kiến của bạn