Tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại, xem tivi trong nhiều giờ... là nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ em. Bệnh nhược thị là hiện tượng chức năng thị giác của một hoặc cả hai bên mắt của trẻ bị kém phát triển. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ không còn khả năng chữa khỏi.
Mắt nhược thị hay còn gọi là “mắt lười” là hiện tượng suy giảm khả năng hoạt động và sự kém phát triển về chức năng của cơ quan thị giác. Nhược thị là khi thị lực chỉ đạt dưới 7/10 và không thể đạt được 10/10 sau khi đã chỉnh kính tối ưu. Nhược thị hầu như chỉ xảy ra ở một mắt nhưng đôi khi nó có thể làm giảm thị lực ở cả hai mắt, dẫn đến thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh độ kính. Đối với bệnh nhược thị, việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả. Nếu không được điều trị sớm, khả năng làm việc của mắt có thể bị suy nhược. Nếu phát hiện quá muộn, nhất là khi trẻ sau 13 tuổi, sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực, thậm chí mù mắt.
Nguyên nhân gây nhược thị
Nhược thị thường chỉ gây ảnh hưởng tới một bên mắt, nhưng nếu cả hai mắt đều mất đi thị lực trong khoảng thời gian dài thì bệnh nhược thị có thể xảy ra ở cả hai mắt. Việc chẩn đoán bệnh sớm sẽ mang đến khả năng điều trị thành công cao. Nhược thị có hai loại:
Nhược thị chức năng: là loại nhược thị mà thị lực có thể phục hồi được sau điều trị và thường không kèm theo các bệnh lý thực thể ở mắt.
Cần đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh ở mắt.
Nhược thị thực thể: đây là tình trạng thị lực không thể phục hồi được sau điều trị và thường kèm theo các bệnh lý khác ở mắt như: bệnh lý hoàng điểm Stargard, đục thể thủy tinh bẩm sinh,... Nhược thị thực thể thường kèm theo các bệnh lý thực thể ở mắt, có thể do một nguyên nhân đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều nguyên nhân. Có 3 nguyên nhân thường gặp nhất:
- Lé: Có thể ở một mắt, hai mắt hoặc lé luân phiên. 50% trong số trẻ em bị mắt lé bị nhược thị.
- Tật khúc xạ: Nhược thị do khúc xạ xuất hiện ở trẻ em do không điều chỉnh kịp thời hiện tượng khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị, bất đồng khúc xạ) bằng việc đeo kính nên đã cản trở việc phát triển thị lực ở trẻ em. Nhược thị do khúc xạ có thể xảy ra ở một mắt, hai mắt, có thể đối xứng hoặc không đối xứng (trong trường hợp bất đồng khúc xạ).
- Môi trường trong suốt của mắt bị che khuất: Ánh sáng bị ngăn cản trên đường đi tới võng mạc, gây cản trở hình ảnh lưu lại trên võng mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do: Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh hoặc xuất hiện từ khi còn nhỏ, sẹo giác mạc...
Cách nhận biết trẻ bị nhược thị
Biểu hiện duy nhất của nhược thị là nhìn mờ, được biểu hiện khi: trẻ tự phát hiện nhìn mờ; trẻ xem tivi, đọc sách, viết ở khoảng cách gần; nheo mắt, dụi mắt khi xem tivi; viết bị sai hàng; nghiêng đầu khi nhìn; khó khăn khi nhìn bảng, kêu ca là bị mỏi mắt...
Nhược thị có thể đưa đến nhiều tác hại đối với trẻ, làm ảnh hưởng đến học tập (đọc viết chậm, học mau mệt, tiếp thu chậm, viết bài sai, hay nhức mắt...); ảnh hưởng đến sinh hoạt (hay bị va chạm, làm vỡ, đổ vật dụng, dễ bị té ngã, khó hòa nhập, không tự tin...) và gây ảnh hưởng lâu dài làm cho mắt bị lé, thị lực bị giảm sút, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.
Phương pháp điều trị nhược thị cho trẻ em
Việc điều trị nhược thị sẽ đem lại hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm. Nếu bệnh của trẻ được phát hiện quá muộn (nhất là sau 13 tuổi), việc điều trị sẽ không thể thay đổi tình trạng tổn thương thị lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ đi khám kiểm tra mắt nếu nghi ngờ hay phát hiện trẻ bị nhược thị. Bác sĩ sẽ khám, tìm ra nguyên nhân gây nhược thị, sau đó quyết định các bước điều trị.
Bài tập bịt một bên mắt bình thường và để mắt kia hoạt động trong nhiều giờ và nhìn ngắm thế giới xung quanh thường được áp dụng nhất trong điều trị nhược thị. Cần khuyến khích trẻ luyện tập mắt bằng cách che mắt bình thường và chỉ sử dụng mắt nhược thị, tối đa 2 giờ mỗi ngày. Với trường hợp trẻ bị nhược thị hai mắt, cần luyện tập cả hai mắt. Thời gian điều trị phụ thuộc vào tuổi của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có quá trình điều trị hiệu quả cho con. Các yếu tố quyết định thành công của quá trình điều trị là xác định chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh, tuổi của trẻ, sự phối hợp giữa gia đình và bệnh viện. Thời gian luyện tập thường là vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, có trường hợp phải tập luyện rất lâu dài, thậm chí hằng năm, nhất là khi phát hiện muộn ở lứa tuổi 10 - 12. Sau khi đã điều trị bệnh ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc có quá trình theo dõi lâu dài để tránh tái phát.
Cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.