Phát hiện ung thư thanh quản hạ họng từ những triệu chứng...không ngờ!

17-12-2020 10:40 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Ngoại tai mũi họng và khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K đã thực hiện ca phẫu thuật hy hữu ghép nối ruột tái tạo đường ăn cho người bệnh ung thư thanh quản hạ họng cho nam bệnh nhân (52 tuổi) quê Hưng Yên.

Suy sụp khi biết mình mắc ung thư...

Anh Nguyễn Văn U.52 tuổi quê tại tỉnh Hưng Yên, ban đầu khi đến khám tại Bệnh viện K chỉ với biểu hiện nuốt nghẹn, hơi vướng ở cổ, ho đờm cách đây hơn 1 tháng nhưng uống thuốc mãi không đỡ.

Sau khi khám và thực hiện các chỉ định xét nghiệm, kết quả chẩn đoán u ác ở hạ họng thanh quản như tin “sét đánh ngang tai” với anh U.

Giống như tâm lý chung của rất nhiều người bệnh, anh U. suy sụp tinh thần và hoang mang với bao câu hỏi, liệu có khỏi bệnh không, có thể nói được không, có ăn uống sinh hoạt được trở lại không ...? Trước những băn khoăn của người bệnh, các y bác sỹ nhiệt tình tư vấn, chỉ rõ phương hướng điều trị và rất nhiều trường hợp đã điều trị thành công để giúp anh U. có thêm niềm tin, tuân thủ phác đồ.

Trao đổi về trường hợp bệnh nhân U., ThS.BS CKII Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng khoa Ngoại tai mũi họng, Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân có u lớn vùng thanh quản hạ họng, kích thước u 4x6cm, lan qua miệng thực quản, xâm lấn đoạn 2 cm đầu trên thực quản – cổ, chẩn đoán u thành sau hạ họng, giải phẫu bệnh ung thư tế bào vẩy giai đoạn 4.

“Rất tiếc là bệnh nhân phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, do đó chúng tôi cần hội chẩn liên khoa để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho trường hợp này”- ThS Tiến Hùng thông tin.

Các bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật.

Còn TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho hay, đây là lần đầu tiên ca phẫu thuật với trường hợp tình trạng bệnh nhân như vậy được thực hiện tại Bệnh viện K.

“Đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp, khi cắt 1 phần thực quản, hạ họng dài, triệt để như vậy cần có cơ quan thay thế thì bệnh nhân mới có thể ăn uống bình thường được.

Đây là kỹ thuật khó thường phải thực hiện ở cơ sở y tế, Trung tâm chuyên ngành lớn mới đảm bảo về chuyên môn, kết hợp chuyên khoa tai mũi họng, đầu mặt cổ và chuyên khoa tiêu hóa trong lĩnh vực ung thư chuyên sâu”- TS.BS Phạm Văn Bình nhấn mạnh.

2 khó khăn lường trước của ca phẫu thuật hy hữu

Các bác sỹ Bệnh viện K, đặc biệt là 2 chuyên khoa tai mũi họng và ngoại bụng đã hội chẩn kỹ càng và vạch ra những khó khăn phải khắc phục và vượt qua trong khi thực hiện.

Phải kể đến 2 khó khăn mấu chốt, đầu tiên là trong quá trình điều trị ung thư luôn phải đảm bảo tính triệt căn, lấy trọn tổn thương ung thư tới diện cắt âm tính, phần tổn thường mất đi ở hạ họng, thanh quản của bệnh nhân U. cần thay thế bằng cơ quan khác đó là đoạn ruột non từ bụng lên vùng cổ.

Thứ 2 là phải nuôi sống đoạn ruột non thay thế, sao cho đoạn ruột non đó tuần hoàn tưới máu phải tốt, ruột non sống thì khi nối miệng nối mới đảm bảo đủ liền, lúc đó chức năng đoạn ruột non ấy mới giúp bệnh nhân có thể ăn uống được.

Kỹ thuật cao cấp: Ghép nối ruột tái tạo đường ăn cho người bệnh ung thư thanh quản hạ họng

Cuối tháng 11/2020, ca phẫu thuật được thực hiện sau sự chuẩn bị kỹ của 3 ekíp phẫu thuật gồm kíp 1 là các bác sỹ Khoa Ngoại tai mũi họng, kíp 2 là các bác sỹ phẫu thuật tiêu hóa, kíp 3 là các bác sỹ tạo hình của 2 khoa.

Ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng trôi qua gồm 2 bước quan trọng nhất đó là cắt thanh quản hạ họng toàn phần PLOT, nạo vét hạch 2. Dùng đoạn hỗng tràng nối họng và thực quản để tái tạo đường ăn cho bệnh nhân.

Kỹ thuật này đảm báo tính chuyên sâu về mặt ung thư và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Cụ thể, về mặt ung thư học, lấy được tổn thương triệt để vùng hạ họng, thực quản, cổ, nạo vét hạch rộng rãi. Lấy được cơ quan thay thế từ ruột non lên để ghép tự thân để phục hồi tính liên tục của đường tiêu hóa cho bệnh nhân.

“Đây là kỹ thuật khó và tiên tiến nhất của ung thư vùng đầu cổ. Trước đây việc tái tạo vẫn được thực hiện bằng các biện pháp khác như vạt cơ ngực lớn hay ống dạ dày. Tuy nhiên, vạt hỗng tràng có nhiều ưu điểm hơn như tỷ lệ liền của vạt cao, sinh lý hơn, hậu phẫu rất nhẹ nhàng so với ống dạ dày” - ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Hùng chia sẻ.

Bệnh nhân sau phẫu thuật

Theo các chuyên gia tham gia kíp phẫu thuật, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong điều trị ung thư đó là chẩn đoán đúng bệnh và giai đoạn, bệnh nhân này ở giai đoạn phù hợp, đảm bảo thực hiện cả triệt căn và ghép ruột non tự thân.

Ê kip đã quyết định lấy 1 đoạn ruột non, được tưới máu bởi các nhánh động mạch cũng như tuần hoàn máu trở về của nhánh tĩnh mạch xuất phát từ động mạch cảnh để nuôi sống đoạn ruột non này. Đoạn ruột non này được nối vào 2 đầu của hạ họng, thành quản đã được cắt đi trong quá trình phẫu thuật xử lý ung thư, tái tạo lại thành đường liền trong ống tiêu hóa giúp việc ăn uống được bình thường.

“Nếu không thực hiện được kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ không ăn uống được, không đảm bảo đường thở, để lại phần khuyết hổng ở toàn bộ vùng cổ và chất lượng sống gần như không thể kéo dài, ca phẫu thuật thành công là bước ngoặt lớn trong chuyên ngành ngoại khoa tại Bệnh viện K” – ThS. Hùng và TS Bình trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân U. chia sẻ.

Hiện tại sau hơn 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân U.tỉnh táo, đi lại bình thường miệng nối liền tốt và tiếp tục được theo dõi, điều trị.


Thái Bình
Ý kiến của bạn