Phát hiện ung thư phổi di căn khi đi khám đau bả vai

09-10-2022 14:33 | Y tế
google news

SKĐS - Đau nhức bả vai trong thời gian dài, người đàn ông 51 tuổi đi khám bất ngờ phát hiện ung thư phổi đã di căn xương.

Bệnh nhân Đ.V. Q (51 tuổi, Hòa Bình), có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị, hút thuốc lào, thuốc lá hơn 40 năm. Hơn 3 tháng gần đây, bệnh nhân đau mỏi vùng vai phải, cổ, cánh tay bên phải… tuy nhiên vì không có điều kiện nên không đi khám.

3 ngày gần đây, bệnh nhân có ho, khạc đờm trắng đục, tình trạng đau nhức nhiều hơn nên đến bệnh viện thăm khám.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, sau khi khai thác tiền sử, nghi ngờ người bệnh có thể mắc ung thư phổi, các bác sĩ đã chỉ định chụp cắt lớp vi tính vùng ngực.

Đau nhức bả vai, đi khám bất ngờ phát hiện ung thư phổi di căn - Ảnh 1.

Thăm khám cho một bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai). Ảnh: Ngọc Anh

ThS. BS Đào Mạnh Phương – người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, một trong nhưng biểu hiện của ung thư ngoài triệu chứng tại chỗ như ho, đau tức ngực còn có triệu chứng của các cơ quan di căn, như trường hợp của bệnh nhân đau nhức vùng bả vai, nghi ngờ di căn xương. 

Lại thêm bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, đây là yếu tố quan trọng để nghĩ ngay đến cơ quan di căn từ phổi, do vậy bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính phổi.

Kết quả chụp cắt lớp của bệnh nhân thấy khối u thùy trên phổi phải (28x50mm), nhiều hạch to trung thất, tổn thương cột sống ngực, xương bả vai phải và xương sườn…

"Bệnh nhân cần nhập viện sinh thiết lấy nhu mô phổi để chẩn đoán chính xác xem thuộc loại ung thư phổi nào để có phương án điều trị thích hợp. Tuy nhiên, do chỉ nghĩ đi khám sức khỏe bình thường không nghĩ mình mắc căn bệnh này, do vậy bệnh nhân xin phép về để chuẩn bị kinh tế và sắp xếp công việc gia đình (gia đình bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng nông dân nghèo, đang nuôi con nhỏ mới mấy tháng tuổi)", BS Phương nói.

Đau nhức bả vai, đi khám bất ngờ phát hiện ung thư phổi di căn - Ảnh 2.

ThS. BS Đào Mạnh Phương.

Theo BS Phương, trường hợp của bệnh nhân ung thư đã di căn giai đoạn 4 do vậy câu chuyện đặt ra không phải là điều trị khỏi, mà điều trị ở đây để làm sao kéo dài được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bệnh nhân đã di căn xương nên đau nhiều, dùng thuốc giảm đau không khỏi, thêm nữa phổi đã bị tàn phá nghiêm trọng gây đau tức ngực, ho nhiều…

Bác sĩ cần phải đánh giá thêm loại ung thư gì, có đột biến gen hay không,  có di căn sang các bộ phận khác như não, gan, thận hay không, phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân là gì …. và liệu cơ thể bệnh nhân có đáp ứng với thuốc điều trị hay không. Có những bệnh nhân di căn có thể kéo dài cuộc sống hơn 8 năm…

Qua trường hợp của bệnh nhân, ThS. BS Đào Mạnh Phương khuyến cáo hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, lên đến 90%, do vậy cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ ung thư phổi.

Ngoài ra để dự phòng ung thư phổi cần kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần theo khuyến cáo. Nếu không có điều kiện kiểm tra định kỳ thì khi có vấn đề bất thường cần đi kiểm tra sức khỏe ngay. Với mỗi bệnh nhân triệu chứng khác nhau, ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng, do vậy vai trò của việc sàng lọc phát hiện sớm rất quan trọng. 

Các dấu hiệu của ung thư phổi

Theo ThS. BS Đào Mạnh Phương - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai), các biểu hiện lâm sàng của ung thư phổi còn tùy thuộc vào vị trí và mức lan rộng của tổn thương. Trong giai đoạn đầu tổn thương còn khu trú bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh.

Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng thường được phân thành 3 nhóm: triệu chứng tại chỗ, tại vùng; triệu chứng do di căn xa và các hội chứng cận ung thư.

Các triệu chứng do xâm lấn tại chỗ, tại vùng liên quan đến tắc nghẽn đường hô hấp, thâm nhiễm nhu mô phổi, xâm lấn các cấu trúc xung quanh như thành ngực, mạch máu lớn và các tạng trung thất… Các triệu chứng thường gặp gồm ho, có thể ho khan hoặc kèm khạc đờm, ho ra máu, khó thở, viêm phổi tái diễn, tràn dịch màng phổi, đau ngực, đau vai, tay, sụp mí, co đồng tử, không ra mồ hôi nửa mặt, khó nuốt, khan tiếng…

Các triệu chứng do di căn não xương, chèn ép tủy sống… Di căn não: nhức đầu, buồn nôn, rối loạn nhận thức, vận động, triệu chứng thần kinh khu trú…; Di căn xương: đau, giới hạn vận động, cảm giác…. Chèn ép tủy sống: tê yếu, mất vận động chi, rối loạn cơ tròn….

Các hội chứng cận ung thư: sụt cân (không đặc hiệu), hội chứng huyết học như thiếu máu, tăng bạch cầu; hội chứng phì đại xương khớp do phổi…

Biện pháp phòng ngừa ung thư phổi hữu hiệu nhất là không hút thuốc lá.

Bình Dương mời chuyên gia hiến kế cho ngành y tếBình Dương mời chuyên gia hiến kế cho ngành y tế

SKĐS - Là thủ phủ khu công nghiệp của cả vùng Đông Nam Bộ, có đông người nhập cư, nhưng y tế của tỉnh Bình Dương đã bộc lộ nhiều hạn chế sau đại dịch COVID-19 năm 2021.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn