Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Uppsala, Thụy Điển đã tiến hành thử nghiệm thành công một phương pháp xét nghiệm máu có thể được sử dụng như một phần của chương trình sàng lọc ung thư buồng trứng. Tác giả chính - GS. Ulf Gyllensten cùng đồng nghiệp đã tiến hành thí nghiệm trên các mẫu huyết tương từ những phụ nữ bị ung thư buồng trứng và những người không mắc bệnh. So sánh 593 mẫu protein thu được kết quả cho thấy ở những người mắc ung thư buồng trứng phát hiện 11 protein đột biến cao hơn 93% lần so với những người không mắc ung thư và xét nghiệm cho thấy độ chính xác đạt 85%.
Ung thư buồng trứng ảnh hưởng đến 7.300 phụ nữ Anh mỗi năm và khoảng 22.530 phụ nữ Mỹ (theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ). Các triệu chứng căn bệnh này không rõ ràng thời kỳ đầu, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì 60% bệnh ung thư buồng trứng sẽ lan sang các bộ phận khác của cơ thể, đưa tỷ lệ sống sót sau 5 năm xuống còn 30% so với 90% tỷ lệ sống sót nếu phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Theo các nhà nghiên cứu: “Ung thư buồng trứng được cho là kẻ giết người thầm lặng vì nó không có triệu chứng sớm, rõ ràng, do đó xét nghiệm máu này là một bước tiến lớn trong việc chẩn đoán ung thư buồng trứng giúp có biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả nâng tỷ lệ sống người bệnh lên cao”.