Hà Nội

Phát hiện thú vị về mũi người

03-01-2012 08:15 | Y học 360
google news

Tất cả chúng ta đều biết mũi có hai chức năng quan trọng là hô hấp và khứu giác. Nói cách khác, mũi dùng để thở và ngửi các mùi. Vậy mũi thở như thế nào và ngửi ra sao? Năng lực “làm việc” của hai lỗ mũi giống hay khác nhau? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá một vài bí ẩn của mũi.

Tất cả chúng ta đều biết mũi có hai chức năng quan trọng là hô hấp và khứu giác. Nói cách khác, mũi dùng để thở và ngửi các mùi. Vậy mũi thở như thế nào và ngửi ra sao? Năng lực “làm việc” của hai lỗ mũi giống hay khác nhau? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn khám phá một vài bí ẩn của mũi. 

Mũi “ngửi” như thế nào?

Trong lỗ mũi, giữa vòm mũi và xương xoắn trên có một mảng niêm mạc màu nâu vàng nổi bật trên nền hồng, đó chính là vùng khứu giác. Biểu mô khứu giác gồm những tế bào cao ngọn phình to thành túi, lồi lên, để tăng diện tiếp xúc với các phân tử “mùi”. Các lông khứu giác bơi trong chất nhầy của mũi, bị mùi kích thích, liền báo về hành khứu giác ở vỏ não giúp chúng ta ngửi được đó là mùi gì. Nhiều nghiên cứu cho thấy: cơ quan khứu giác gồm 20-40 triệu tế bào phân tích mùi, chia làm 7 loại, có chức năng cảm nhận 7 mùi. Mỗi loại chất thơm chỉ thích ứng với một loại tế bào khứu giác mà thôi. Một mùi bao giờ cũng là phức hợp của rất nhiều hợp chất tạo nên. Mũi ngửi được mùi là nhờ phân tử chất thơm bay hơi và hoà tan trong nước, nhất là dầu, để bám được vào đầu mút thần kinh khứu giác. Do đó, phân tử chất thơm càng nhẹ càng dễ bay hơi nên mũi dễ nhận ra. Nếu phân tử có 5-6 nguyên tử cacbon thì xông hương mạnh nhất, còn phân tử có tới 20 nguyên tử cacbon thì nặng quá, không còn bốc mùi lên được. 

 Ngoài chức năng hô hấp, khứu giác, mũi còn nhiều bí ẩn khác.

Năng lực “làm việc” của hai lỗ mũi giống hay khác nhau?

 

Năng lực của lỗ mũi bên trái và bên phải có một sự chênh lệch: nếu ngửi bằng lỗ mũi phải, chúng ta thường đánh giá “xông xênh” hơn. Còn khi dùng lỗ mũi trái để phân biệt mùi thì kết quả sẽ chính xác hơn. Đó là vì bán cầu não phải điều khiển cảm tính nên lỗ mũi phải chịu pha trộn sắc thái cảm tính; còn lỗ mũi bên trái bị chi phối bởi bán cầu não trái nên sẽ nghiêng theo lý tính và thực tế. Khi thở bằng lỗ mũi phải, đại não dễ hưng phấn, thần kinh ở vào trạng thái khẩn trương; trái lại, khi thở bằng lỗ mũi trái, con người cảm thấy nhẹ nhàng, bình tĩnh hơn. Thực tế hai lỗ mũi trái và phải vẫn luân phiên hít thở với chu kỳ tuần hoàn khoảng 2,5-4 giờ; tuổi càng cao, vòng tuần hoàn càng dài, có thể kéo dài tới 8 giờ. Như vậy, tạo hoá đã ban cho chúng ta có hai lỗ mũi rất có lợi cho sự nghỉ ngơi và việc bảo vệ sức khỏe, như khi cơ thể cảm thấy nhịp điệu nhanh thì cần thở bằng lỗ mũi trái để dần trở lại trạng thái nhẹ nhàng, thư giãn.

Trong giao tiếp, người gãi mũi là… đang nói dối?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi một người nói dối thì tổ chức tế bào trong khoang mũi có thể bị sung huyết, khiến mũi đỏ tấy lên, gây ngứa nên phải gãi. Biết như thế nhưng nếu nói chuyện với người khác mà thấy họ gãi mũi thì bạn cũng đừng vội nghi mà lên án đối phương đang nói dối nhé. 

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Mũi giúp lựa chọn bạn đời khỏe hơn

 

Nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ phát hiện: mùi cơ thể của các cô gái thường giống với mùi của người cha. Mùi của cơ thể được xem như “thông tin”, chịu ảnh hưởng của một loạt gen tương quan của hệ thống miễn dịch. Vì vậy, nếu mùi người bạn trai tương tự với mùi của cha cô gái thì suy ra anh ta sẽ có khả năng miễn dịch tương đương với cô gái. Cho nên nếu họ lấy nhau, con cái sinh ra sẽ không có tính trội về khả năng phòng chống bệnh tật. Áp dụng điều này, chúng ta nên chọn bạn đời có mùi cơ thể khác ta để con cái sinh ra được thừa hưởng khả năng miễn dịch tốt của cả cha và mẹ.

Khoa học y tế đang trên đà phát triển, trong đó, nhiều nghiên cứu về mũi vẫn được tiến hành. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng trong tương lai, nhiều bí ẩn của hai lỗ mũi sẽ tiếp tục được khám phá.

ThS.Phạm Phú Vinh


Ý kiến của bạn