Phát hiện tân dược trong thuốc y học cổ truyền, hoạt chất cường dương trong rượu

02-05-2019 20:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Qua kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, đã phát hiện tình trạng pha trộn tân dược một cách trái phép vào sản phẩm hoặc quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh

Thanh kiểm tra hàng nghìn cơ sở, phạt tiền gần 11 tỷ đồng

Ông Lê Thành Công- Phó Vụ trưởng Vụ  Kế hoạch- Tài chính, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Bộ Y tế cho biết, từ ngày 15/12/2018- 15/4/2019, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược-mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Trong đó riêng lĩnh vực thực phẩm, qua thanh kiểm tra đã xử phạt  hành chính 15 cơ sở với tổng số tiền gần 912 triệu đồng các lỗi vi phạm về quảng cáo, chất lượng không phù hợp với công bố…

Đại diện Thanh tra Bộ Y tế thanh kiểm tra tại một cơ sở

Cùng với xử phạt bằng tiền, Bộ Y tế đã buộc các cơ sở thu hồi, tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo, cải chính thông tin.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 2/5 tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của BCĐ 389; triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng của BCĐ 389 Bộ Y tế.

Bổ sung thêm thông tin, tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong năm 2018, đặc biệt thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh thành phố. Theo đó, báo cáo việc lấy mẫu, kiểm tra, giám sát chất lượng của 18 Sở Y tế với các đoàn kiểm tra cho thấy, về lĩnh vực dược mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) đã lấy hơn 13.000 mẫu, trong đó có 332 mẫu không đạt chất lượng, 605 phiếu công bố mỹ phẩm bị thu hồi.

Trong năm 2018, các tỉnh này đã thực hiện được 75 đoàn thanh tra về dược mỹ phẩm, kiểm tra gần 7200 cơ sở, phát hiện gần 1.090 cơ sở vi phạm và xử lý 719 cơ sở. Về lĩnh vực ATTP đã tiến hành 3.318 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 94.082 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm, xử lý 1.408 cơ sở. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 2.127 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Chuyển hồ sơ cơ quan điều tra 15 vụ, tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm

Báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế tại cuộc họp cũng cho biết, qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu các cơ sở vi phạm tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm. Đơn cử, tại TP Hà Nội đã buộc tiêu hủy 694 gói thuốc không còn nguyên bao bì nhãn mác và 23 lọ thuốc của viện Da liễu pha chế của 07 cơ sở; Tiêu huỷ 10.322 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và mỹ phẩm không có công bố của 31cơ sở trị giá: 793.349.000 đồng.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại Bộ Y tế

Tiêu hủy 80 lọ thuốc Thần kinh tọa không có số đăng ký lưu hành, 290 gói thuốc đông y gia truyền có paracetamol và Cinarizin; 5 hộp thuốc xoang gia truyền, 2 hộp thuốc xoang Lê Huỳnh và 6 thùng catton chứa bao bì vỏ hộp.

Tại TP Hồ Chí Minh: Tịch thu 26 khoản thuốc không có số đăng ký, không rõ nguồn gốc, xuất xứ;  Thu hồi/tiêu hủy sản phẩm: 1.882 kg và 231.254 đơn vị sản phẩm (hộp, viên, thùng).

Cũng trong năm 2018, đã có 15 vụ việc liên quan đến y tế được cơ quan chức năng của ngành chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý. Điển hình, tại TP Hải Phòng, Sở Y tế đã ra quyết định thu hồi 07 Số tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm đã cấp cho Công ty Hồng An Phong, lý do cơ sở không kê khai trung thực các nội dung trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra Công an thành phố.

Ngoài ra, Sở Y tế đã chuyển cơ quan điều tra Công an thành phố hồ sơ vụ việc cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc y học cổ truyền có một số lượng viên hoàn chữa tiểu đường nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc (cơ quan Công an cho rằng có dấu hiệu làm thuốc giả).

Tại TP Hà Nội: Chuyển 10 hồ sơ sang cơ quan điều tra, cụ thể: Chuyển 02 hồ sơ cơ sở bán lẻ thuốc Zinnat giả và 02 hồ sơ cơ sở bán lẻ thuốc NEXIUM 40mg, 20mg sang công an hỗ trợ xem xét xác minh làm rõ; Chuyển 01 hồ sơ bán thuốc có dấu hiệu là hàng giả sang Công an thành phố hỗ trợ xác minh làm rõ; Chuyển hồ sơ sang Công an TP xác minh làm rõ việc SX, lưu hành sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm của Công ty TNHH VINACA.

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 4 cơ sở do sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chỉ tiêu chất lượng đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.

Tại TP Hồ Chí Minh: Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, Công An thành phố các vụ việc liên quan đến thuốc giả, dược liệu giả: Kinh doanh dược liệu hoài sơn giả; kinh doanh thuốc Soferanib chữa ung thư không rõ nguồn gốc, không có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam; sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thuốc điều trị trĩ An Thận Vương qua mạng xã hội.

Kiểm tra chặt nhóm thuốc tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng- giảm cân

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thẳng thắn cho hay, thời gian qua, qua kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng và qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng đã phát hiện nhiều vi phạm như cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh.

Đặc biệt, đã phát hiện tình trạng pha trộn tân dược một cách trái phép vào sản phẩm để lưu hành trên thị trường hoặc sử dụng điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền (YHCT). Thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng; đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng dẫn chứng trường hợp sử dụng bệnh nhân đang dùng thuốc tiểu đường theo đơn của bác sĩ nhưng đã “nghe bạn mách bảo”nên đã mua viên tễ tiểu đường hoàn về dùng, bỏ đơn thuốc của bác sĩ khiến lượng đường trong máu không kiểm soát được, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Một trường hợp khác sau khi đi nhậu có uống rượu về đã bị “cương dương” suốt 24h đồng hồ và phải tìm đến bác sĩ nam học để giải cứu. Cơ quan chức năng kiểm nghiệm chai rượu đó đã phát hiện có hàm lượng viagra rất lớn trong rượu. Khai thác thông tin từ chủ quán thì được biết, đã bỏ 4 viên viagra vào chai rượu này.

“Trước thực trạng này, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng sai quy định, với mục tiêu bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng các sản phẩm này lưu hành trên thị trường và các sản phẩm được sử dụng tại các phòng chẩn trị YHCT.

Chú ý tập trung vào các sản phẩm hay có nguy cơ pha trộn tân dược một cách trái phép thuộc nhóm điều trị, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng, giảm cân...”- Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện các đơn vị của Bộ Y tế cũng cho biết trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng của Bộ Y tế vẫn gặp không ít khó khăn. Do nhóm mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc YHCT thuộc ngành, lĩnh vực kinh tế được Bộ Y tế quản lý và phối hợp quản lý của nhiều Bộ, ngành, điạ phương liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và an ninh, an toàn xã hội và là ngành kinh tế tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm đối với nhóm hàng này ngày càng tinh vi và phức tạp.

Mặt khác lực lượng thanh tra y tế đã được củng cố và kiện toàn song vẫn còn quá mỏng so với yêu cầu khối lượng công việc thực tế quá lớn. Sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương còn chưa kịp thời; công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra tại một số nơi chưa được chặt chẽ. Việc xử lý vi phạm tại một số địa phương chưa nghiêm, đặc biệt là tại tuyến cơ sở ít xử phạt hành chính mà chủ yếu nhắc nhở.

Thanh, kiểm tra, giám sát các nhóm sản phẩm do ngành y tế quản lý theo hướng các chuyên đề

Tại cuộc họp, ông Đàm Thanh Thế- Chánh Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia ghi nhận những nỗ lực của BCĐ 389 Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan của Bộ Y tế trong thực hiện công tác quản lý nhà nước  lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là việc Bộ Y tế được xếp hạng A trong thực hiện chức năng, nhiệm cụ của BCĐ 389 Quốc gia.

Ông Đàm Thanh Thế- Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Chia sẻ với khó khăn của BCĐ 389 ngành y tế trong một số hoạt động, đặc biệt là trong việc đấu tranh với các thủ đoạn gian lận thương mại tinh vi của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dược, mỹ phẩm, vị thuốc YHCT, thực phẩm chức năng... ông Đàm Thanh Thế gợi ý, công tác thanh, kiểm tra, giám sát tới đây của BCĐ 389 Bộ Y tế nên tiến hành theo hướng các chuyên đề về dược- mỹ phẩm; an toàn thực phẩm, dược liệu.

Bên cạnh đó, cần tổ chức toạ đàm chuyên đề, song song với tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng ngừa, giám sát, xử lý sai phạm với những sản phẩm thuộc các nhóm liên quan đến sức khỏe người dân của BCĐ 389 ngành y tế để người dân hiểu/chia sẻ với ngành y tế.

Đồng thời ông Đàm Thanh Thế cũng cho biết, trong năm nay, Văn phòng BCĐ Quốc gia sẽ tham mưu cho BCĐ Quốc gia thực hiện chuyên đề sâu nhận diện đầy đủ về thị trường thực phẩm chức năng để có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn...

Cũng tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, thanh kiểm tra, xử phạt với những sản phẩm thuộc các nhóm hàng trên. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của BCĐ 389 Quốc gia để cùng "dẹp" những sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân kém chất lượng không có cơ hội lưu thông trên thị trường.

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn