Viêm tai giữa cấp là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Việc phát hiện sớm, kịp thời, đúng đóng vai trò quyết định trong tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng và các hậu quả lâu dài đối với trẻ.
Ảnh: Gettyimages.com |
Viêm tai giữa cấp mủ là một quá trình viêm của niêm mạc tại giữa, chủ yếu có nguồn gốc từ viêm mũi họng, nguyên nhân là do vi khuẩn. Viêm tai giữa cấp mủ ở trẻ em có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: Viêm xương chũm cấp, liệt mặt ngoại biên, viêm màng não...
Bệnh thường xuất hiện sau vài ngày có viêm mũi họng (sốt, ho, chảy mũi, có thể bị tiêu chảy). đau tai là một trong những triệu chứng quan trọng của bệnh viêm tai giữa. Với những trẻ đã biết nói trẻ sẽ tự nói với bố mẹ là bị đau tai. Đau tai có đặc điểm: đau theo nhịp mạch đập, lan ra sau tai, tới vùng thái dương hoặc xuống răng, cơn đau không kéo dài nhưng hay tái phát, có thể kèm theo dấu hiệu ù tai hoặc nghe kém. Với trẻ chưa biết nói, chúng ta phát hiện bằng cách quan sát trẻ xem trẻ có dùng tay kéo nhiều bên tai bệnh, xoa bên tai đó, hay lúc lắc đầu hoặc khóc thét khi bị chạm vào tai đau. Đau tai cấp thường đau dữ dội đột ngột, ù tai, trẻ quấy khóc, bứt tai, sốt nếu màng nhĩ bị thủng, đau sẽ giảm và chảy mủ tai.
Những trẻ có biểu hiện trên cần được đưa ngay đến thầy thuốc tai - mũi - họng để khám và xử trí kịp thời.
Viêm tai giữa cấp có thể tái phát và được coi là tái phát khi có ít nhất 2 đợt viêm tai giữa cấp ở trẻ dưới 1 tuổi, hoặc 3 đợt viêm tai giữa cấp trong vòng 6 tháng với trẻ trên 1 tuổi. Nguy cơ viêm tai giữa cấp tái phát ở bé trai cao hơn bé gái, trẻ có cơ địa dị ứng, suy dinh dưỡng, những bé đi nhà trẻ có đợt viêm tai giữa cấp đầu tiên dưới 6 tháng tuổi, có tiền sử gia đình bị viêm tai, có trào ngược dạ dày thực quản...
Nếu viêm tai giữa cấp giai đoạn đầu bị bỏ sót, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn ứ mủ hoặc vỡ mủ. Các giai đoạn này việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn nhiều; đồng thời dễ để lại di chứng thủng màng nhĩ, nghe kém ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và phát triển tiếng nói cũng như trí tuệ của trẻ sau này.
BS. Nguyễn Bích