Phát hiện sớm trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường

18-03-2024 13:37 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Theo nhiều nghiên cứu, người mắc bệnh tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với người bình thường. Lý do bởi bệnh tiểu đường là căn bệnh không thể chữa trị dứt điểm, người bệnh chỉ có thể sống cùng với bệnh.

Việc kiểm soát đường huyết vô cùng quan trọng cũng dễ tạo ra áp lực cho người bệnh.

Có thể nói, sự nghiêm ngặt trong điều trị tiểu đường làm người bệnh căng thẳng, dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có các biến chứng thần kinh, từ đó xuất hiện trầm cảm

Ngược lại, trầm cảm cũng dễ làm người bệnh ăn uống vô độ, hút thuốc, uống rượu, lười vận động, tăng cân, đây là những yếu tố gây ra tiểu đường.

Trầm cảm ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp và suy nghĩ. Những điều này tác động đến việc điều trị tiểu đường.

Biểu hiện trầm cảm thường gặp ở người tiểu đường

Người bệnh tiểu đường khi trầm cảm có các biểu hiện như: Không còn hứng thú với các hoạt động. Người bệnh mất dần các sở thích vốn có như bóng đá, ca nhạc, du lịch, mua sắm…

Người bệnh tiểu đường có các biểu hiện thay đổi giấc ngủ như: mất ngủ, thức giấc khó ngủ lại hoặc ngủ nhiều cả ngày.

Thay đổi thói quen ăn uống thường ngày cũng là biểu hiện của vấn đề trầm cảm ở người bệnh. Ăn ít hoặc nhiều hơn bình thường dẫn đến khó kiểm soát cân nặng.

Phát hiện sớm trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.

Người bệnh tiểu đường khi bị trầm cảm sẽ có biểu hiện mất sức sống, căng thẳng, mệt mỏi.

Đối với người tiểu đường nếu bị trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, công việc, thậm chí khó tập trung khi xem truyền hình.

Khá nhiều người bệnh tiểu đường khi bị trầm cảm sẽ có biểu hiện mất sức sống, căng thẳng, mệt mỏi mọi lúc. Ở một số người có cảm giác tội lỗi, xem mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Nặng hơn là có suy nghĩ, hành vi tổn hại cơ thể.

Cần làm gì nếu người bệnh tiểu đường có biểu hiện trầm cảm?

Trầm cảm xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng lên cả thể chất và tinh thần của người bệnh.

Trầm cảm làm người tiểu đường ít hoạt động thể chất, dễ lạm dụng rượu và thuốc lá, có thói quen ăn uống không tốt và kém tuân thủ liệu trình điều trị tiểu đường.

Các nghiên cứu đã chứng minh trầm cảm làm tăng nguy cơ tăng glucose máu dai dẳng, tăng các biến chứng mạch máu và tăng tỷ lệ tử vong. Chất lượng cuộc sống của người bệnh và gánh nặng kinh tế liên quan với tiểu đường trở nên nặng nề hơn.

Với những hậu quả nghiêm trọng mà trầm cảm gây ra ở người bệnh tiểu đường, việc phát hiện và điều trị sớm trầm cảm có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa phát sinh và làm nặng thêm các biến chứng. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Người bệnh tiểu đường bị trầm cảm rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của người thân trong gia đình cũng như các chuyên gia tâm lý để tìm nguyên nhân gây ra trầm cảm và loại trừ chúng. Thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Phát hiện sớm trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường- Ảnh 2.

Người tiểu đường cần luyện tập thể thao thường xuyên giúp giảm cân, giảm đường huyết. Ảnh minh họa.

Người thân trong gia đình có người mắc tiểu đường nên quan tâm, chia sẻ động viên người bệnh. Đồng thời người mắc tiểu đường cũng cần chia sẻ cảm xúc với người thân gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh tiểu đường và tạo điều kiện cho mình thực hiện chế độ ăn uống cũng như các chế độ điều trị, luyện tập một cách nghiêm túc.

Sớm hiểu rằng bản thân mắc tiểu đường không phải quá nguy hiểm mà hoàn toàn có thể kiểm soát được nhằm kịp thời điều chỉnh những hành vi có hại cho sức khỏe như: bỏ ngay thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan, duy trì luyện tập thể lực, tìm hiểu nhiều về bệnh tiểu đường và việc điều trị bệnh; tránh tâm lý bi quan, chán nản, dễ dẫn đến không tuân thủ chế độ điều trị.

Thăm khám thường xuyên để theo dõi những thay đổi của cơ thể như tổn thương ở bàn chân để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi.

Luyện tập thể thao thường xuyên giúp giảm cân, giảm đường huyết và tăng cường năng lượng, sức chịu đựng của cơ thể. Từ đó thúc đẩy các hormone "vui vẻ" trong não, kích thích tăng trưởng các tế bào não mới, tương tự như thuốc chống trầm cảm.

Quan trọng nhất trong việc đối phó với chứng trầm cảm ở người bệnh tiểu đường là việc người bệnh chấp nhận điều trị, thay đổi lối sống, hành vi, chia sẻ để nhận được sự giúp đỡ của người thân, gia đình và bạn bè. Sống vui, sống khỏe cùng bệnh tiểu đường.

Viêm bao quy đầu đi khám tình cờ phát hiện mắc tiểu đường, mỡ máu caoViêm bao quy đầu đi khám tình cờ phát hiện mắc tiểu đường, mỡ máu cao

SKĐS - Bệnh nhân nam 43 tuổi tới khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do viêm bao quy đầu kéo dài. Tuy nhiên các bác sĩ tình cờ phát hiện ra bệnh tiểu đường, mỡ máu cao ở bệnh nhân này.

BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn