Theo các chuyên gia, những con số đau lòng nói trên hiện chưa phải là số liệu tổng kết vì đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TP.HCM và nhiều tỉnh/thành khác.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tất cả sự trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em cho dù đó là chính sách của Nhà nước hay là của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện đều cần phải xuất phát dựa trên những nguyên tắc về quyền trẻ em và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Sự hỗ trợ ấy phải tuân thủ các hướng dẫn của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn quyền trẻ em và căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng cụ thể của từng trẻ, người chăm sóc trẻ để có hỗ trợ phù hợp.
Cũng theo ông Nam, nguyên tắc chung là trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha mẹ không có sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ thì sẽ tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân (Luật Trẻ em).
Trường hợp các em không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, một gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, các cơ sở nuôi dưỡng dài hạn... chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp kia không thực hiện được.
Do đó, các doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân muốn hỗ trợ các em nên nắm rõ điều này để tuân thủ. Các tổ chức cá nhân có thể cung cấp tài chính, học bổng, cung cấp thiết bị, máy móc, hỗ trợ tinh thần, nhận đỡ đầu... các em. Mọi hỗ trợ cần được thông qua chính quyền địa phương từ đó để giám sát, thực hiện hỗ trợ một cách hiệu quả dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi, lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Điều quan trọng nhất lúc này là để các em được sống trong môi trường gia đình, sống cùng người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra. Nếu đảm bảo được mục tiêu này thì mọi hoạt động hỗ trợ mới đạt kết quả cao nhất.
Cần phát hiện những dấu hiệu sang chấn tâm lý để can thiệp kịp thời
Theo ông Nam, đại dịch COVID-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em về sức khỏe tâm thần, chăm sóc để giảm bớt sang chấn tâm lý.
Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn. Ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối để được hỗ trợ tư vấn với các nhóm thiện nguyện như đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Dịch vụ này, được duy trì từ 8h - 22h hằng ngày.
"Vấn đề khủng hoảng không chỉ là giải quyết cấp bách trước mắt mà còn lâu dài. Về phía địa phương, cần áp dụng ngay chính sách của nhà nước, của địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ để làm sao giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em. Và triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống mạng lưới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống phát hiện những dấu hiệu sang chấn của các em (nếu có) để can thiệp kịp thời vì hiện nay, không phải ai cũng có kiến thức kỹ năng để nhìn ra điều này", ông Nam cho biết thêm.
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, trẻ mồ côi được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Cụ thể, trẻ dưới 4 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng, trẻ từ đủ 4 tuổi là 540.000 đồng/tháng. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Nếu trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Theo Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH, hỗ trợ 2.000.000 đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.