Con trai tôi 6 tuổi, cháu phát triển ngôn ngữ rất chậm (đến bây giờ cháu chỉ nói được một vài từ), khi nói chuyện với cháu thì cháu không hiểu ý ba mẹ muốn nói và không biết cách trả lời. Tôi có đưa cháu đi khám thì bảo là cháu bị tự kỷ nhẹ. Xin bác sĩ cho tôi một lời khuyên.
Lê Thị Mỹ Huyền (minhhuyen5467@gmail.com)
Trẻ được cho là tự kỷ khi có 35% trong 13 biểu hiện sau: sống khép kín, trầm lặng, lãnh đạm hoặc thờ ơ với việc giao tiếp; chậm nói, tiếp thu chậm về phát triển từ ngữ, giao tiếp; không có sự giao tiếp bằng mắt với người khác; không phản ứng, đáp lại khi được gọi tên hoặc phản ứng rất chậm; luôn lặp đi lặp lại các hành vi hoặc sự cử động của cơ thể; có những hành vi kỳ quái tự gây tổn hại tới bản thân như đập đầu vào tường, cào cấu, thích ở một mình...; không hứng thú hoặc ác cảm với hoạt động thể chất và chỉ thích chơi một hoặc vài trò chơi quen thuộc có tính chất lặp lại; rụt rè, nhút nhát, không biết cách chơi với trẻ khác; sợ chỗ lạ, người lạ, vật lạ; khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh, công việc/diễn biến thường diễn ra hàng ngày; bị hút chặt vào những đồ vật quen thuộc; thường xuyên ăn vạ; rối loạn ăn uống, tiêu hóa.
Về điều trị, hiện nay cách điều trị hữu hiệu nhất đối với các trẻ mắc bệnh tự kỷ là liệu pháp điều trị bệnh bằng tâm lý: giúp trẻ tiếp xúc, giao tiếp, thiết lập mối quan hệ, tình cảm với những người xung quanh như ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè...; dạy trẻ cách nói chuyện, phát triển ngôn ngữ phù hợp với khả năng của trẻ; tập cho trẻ có ý thức về bản thân và tự khẳng định bản thân. Ngoài ra, cần cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng, vitamin cần thiết để giảm được các chấn động ở hệ thống thần kinh. Điều quan trọng để điều trị thành công là cần có sự kiên trì phối hợp giữa trẻ với bố mẹ và chuyên gia dạy trẻ tự kỷ nữa.
BS. Trần Kim Anh