Nhiễm khuẩn làm mủ trong não có thể tạo thành các bọc mủ ở các vị trí ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não gọi là áp-xe não. Bệnh gây ra các biến chứng viêm màng não mủ, vỡ ổ áp-xe, tụt kẹt não gây tử vong với tỷ lệ rất cao.
Chấn thương và nhiễm khuẩn gây áp-xe não
Có 3 nguyên nhân chính gây áp-xe não là: chấn thương ở đầu mặt cổ; nhiễm khuẩn ở gần não bộ như viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa viêm xương chũm; vi khuẩn vào máu rồi gây bệnh như: áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt. Nếu áp-xe não theo đường máu có đặc điểm là ổ áp-xe thường ở sâu trong não, có một hay nhiều ổ ở các vị trí khác nhau. Các loại vi khuẩn gây áp-xe não thường gặp là trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu không gây tan huyết, vi khuẩn kỵ khí, nấm, amíp. Ổ áp-xe có thể ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não. Ngoài ra còn có các trường hợp áp-xe não không tìm thấy ổ nhiễm khuẩn tiên phát.
Hình ảnh ổ áp-xe trong não trên phim cắt lớp. |
Biểu hiện của áp-xe não
Một bệnh nhân bị áp-xe não thường có biểu hiện như sau: sốt cao 38-40oC, người mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn, có phản ứng màng não: cổ cứng, mắt lúc nào cũng nhắm vì sợ ánh sáng nên bệnh nhân thường nằm nghiêng và co gấp người vào bụng. Áp-xe tiểu não thì triệu chứng rầm rộ hơn: đau đầu dữ dội, nôn nhiều, đi lảo đảo như người say rượu, hai chân dang rộng, sai tầm, lệch hướng; rung giật nhãn cầu, thất điều; bại nửa người bên đối diện.
Tổn thương các dây thần kinh sọ não: dây VII, VIII, III, II, với triệu chứng: cơn co giật động kinh cục bộ, mất tiếng nói hoặc nói khó. Lúc đầu kích thích, vật vã, dãy dụa, kêu la vì đau, sau dần dần tri giác xấu hơn, nằm im, mất định hướng, lú lẫn, bán hôn mê và hôn mê, nếu không điều trị kịp sẽ tử vong. Nếu áp-xe ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng khi ấn hoặc gõ lên vùng xương viêm bệnh nhân rất đau. Khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não do bọc áp-xe lớn có vỏ bao dày chắc chiếm chỗ trong hộp sọ gây tăng áp lực nội sọ, chèn đẩy não và gây tụt kẹt não: Trường hợp áp-xe tiểu não, do hố sọ sau rất chật nên chỉ cần một ổ áp-xe nhỏ đã gây rối loạn tim mạch và hô hấp.
Kết quả xét nghiệm: bạch cầu tăng cao, tốc độ máu lắng tăng cao, dịch não tủy hơi đục, có tế bào mủ... Chụp cắt lớp vi tính thấy vị trí, kích thước ổ áp-xe.
Trước một bệnh nhân nghi áp-xe não cần phân biệt với các bệnh: viêm màng não mủ, viêm tắc tĩnh mạch trong não, u não...
Phương pháp điều trị
Áp-xe não là một bệnh rất nặng, tỉ lệ tử vong còn khá cao (trên 80% số bệnh nhân). Điều trị chủ yếu là phẫu thuật nhằm chọc hút, dẫn lưu, lấy toàn bộ bọc áp-xe não. Trường hợp ổ áp-xe nhỏ và ở sâu, áp-xe não đã vỡ gây viêm màng não mủ lan tràn hoặc bệnh nhân quá yếu không cho phép phẫu thuật thì phải dùng kháng sinh mạnh, có hoạt phổ rộng, hay phải dùng phối hợp nhiều kháng sinh. Trong chăm sóc cần nuôi dưỡng bệnh nhân tốt, phải chú ý phòng chống loét và viêm phổi...
Phẫu thuật điều trị áp-xe não. |
Lời khuyên của bác sĩ
Áp-xe não là một bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, mọi người cần nắm vững các triệu chứng của áp-xe não để có thể phát hiện sớm bệnh mới mong cứu được bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc phòng bệnh trở nên rất quan trọng. Muốn thế chúng ta cần: điều trị triệt để các nguyên nhân có thể gây áp-xe như viêm xương chũm, viêm tai giữa, viêm xoang, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt. Giữ vệ sinh răng miệng để hạn chế nhiễm khuẩn tai mũi họng và răng lợi. Phòng ngừa các chấn thương ở vùng đầu mặt cổ.