Rối loạn thai kỳ ảnh hưởng đến khoảng 1/10 phụ nữ mang thai, thường gặp như: Hạn chế sự phát triển của thai nhi, thai nhi phát triển quá mức, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng huyết áp...
Các rối loạn này thường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Trong nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp mới nhằm phân lập và nghiên cứu các tế bào nội tiết để xác định hormon được tiết ra trong nhau thai.
Thay đổi nồng độ hormon trong nhau thai cảnh báo rối loạn thai kỳ.
Các nhà khoa học đã phát hiện, khoảng một phần ba số protein xác định được đã thay đổi ở phụ nữ có rối loạn thai kỳ. Mức độ bất thường của hormon hiện diện trong máu của người mẹ ngay từ ba tháng đầu, tuần 12 của thai kỳ, ở những phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ (một biến chứng thai kỳ thường được chẩn đoán ở tuần thứ 24-28).
Các nhà khoa học cũng đã theo dõi kết quả mang thai ở phụ nữ tại Bệnh viện Addenbrooke ở Cambridge, Anh. Họ phát hiện ra rằng những dấu hiệu sinh học bất thường này xuất hiện trong các mẫu máu ngay ở giai đoạn đầu thai kỳ. Điều này cho phép chẩn đoán sớm hơn các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, từ đó bắt đầu điều trị sớm hơn.
Kết quả của nghiên cứu mở ra hướng đi mới trong việc chẩn đoán sớm hoặc cung cấp cơ hội để điều trị các biến chứng thai kỳ bằng cách nhắm mục tiêu vào nhau thai.