Phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ sở kinh doanh vàng: Người tiêu dùng đang bị móc túi

14-09-2016 11:43 | Pháp luật

SKĐS - Tình trạng gian lận tuổi vàng trên thị trường hiện nay đang trở nên rất đáng lo ngại, khiến người tiêu dùng bị móc túi số tiền không nhỏ.

Tình trạng gian lận tuổi vàng trên thị trường hiện nay đang trở nên rất đáng lo ngại, khiến người tiêu dùng bị móc túi số tiền không nhỏ. Mới đây nhất, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) qua thanh, kiểm tra chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn cả nước đã phát hiện rất nhiều sai phạm tại các cơ sở kinh doanh vàng liên quan đến vấn đề quy định đo lường, hàm lượng vàng không đạt tiêu chuẩn công bố...

Hàng trăm cơ sở bán vàng không đạt hàm lượng tiêu chuẩn

Thông tin từ Bộ KH&CN cho biết, qua kiểm tra việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn cả nước hai năm 2015 - 2016, Bộ đã phát hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh vàng không chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng vàng... Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh đã thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng và nhãn mác vàng theo quy định với số tiền xử phạt hơn 1,5 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng, hàm lượng vàng.

Trước đó, trong năm 2015, qua các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng tại 51/63 Sở KH&CN các tỉnh, với 1.718 cơ sở kinh doanh vàng, phát hiện 423 cơ sở (chiếm 25%) vi phạm về quy định đo lường, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp độ chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo tiêu chuẩn công bố.

Theo Bộ KH&CN, số cơ sở kinh doanh vàng, bán vàng không đáp ứng tiêu chuẩn tập trung chủ yếu vào các loại vàng trang sức, mỹ nghệ, trong đó 170 phương tiện đo không đúng tiêu chuẩn bị thu giữ, chiếm 9,7% số vụ vi phạm. Cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, trong đó tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu và xử phạt số tiền gần 200 triệu đồng.

Đáng chú ý như tại tỉnh Đồng Nai, vào tháng 6/2016, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH&CN) đã tiến hành đo tuổi vàng của 50 doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý trên địa bàn, phát hiện 47 cơ sở vi phạm. Trong đó, vàng 24K hàm lượng vàng 98% theo công bố nhưng kết quả kiểm định nhiều doanh nghiệp chỉ đạt 93,5%; có nơi chỉ đạt 65,57%. Vàng 18K hàm lượng vàng 75% theo công bố chất lượng nhưng kết quả kiểm định thường chỉ đạt 65-73%. Trước sai phạm này, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đã xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với 47 cửa hàng kinh doanh vàng kém chất lượng so với công bố.

Tình trạng bán vàng nhẫn tròn trơn không thương hiệu, không niêm yết tuổi vàng hoặc gian lận tuổi vàng vẫn diễn ra.

Giảm chất lượng vàng để bù đắp

Thực tế cho thấy, hiện nay công tác quản lý vàng nữ trang cũng hết sức lỏng lẻo. Dù Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đã có hiệu lực được 2 năm, quy định chặt chẽ về giám định vàng và tuổi vàng nữ trang, song tại nhiều cửa hàng vàng nhỏ lẻ, tình trạng bán vàng nhẫn tròn trơn không thương hiệu, không niêm yết tuổi vàng hoặc gian lận tuổi vàng vẫn diễn ra. Trong khi đó, thói quen của người Việt Nam lâu nay trong mua vàng là “mua đâu, bán đó” và đến nay, họ vẫn tin tưởng vào cách mua bán này. Đây là lý do giải thích vì sao vẫn có phản ánh cho thấy, quy định ghi tuổi vàng không thay đổi được tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, tức người tiêu dùng vẫn phải “mua đâu, bán đó”, nếu không muốn bị thiệt.

Lý giải về chuyện ăn gian tuổi vàng và ăn gian trọng lượng, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Trần Thanh Hải, có một thực tế đáng buồn là những cửa hàng sản xuất kinh doanh vàng nữ trang nhỏ lẻ làm vàng đúng tuổi, đúng trọng lượng thì ít có người mua. Bởi lẽ làm vàng nữ trang đúng tuổi, đúng trọng lượng bắt buộc phải nâng giá tiền công làm lên, mà như vậy thì không cạnh tranh nổi với những cửa hàng khác. Hơn nữa, tiền công thợ chế tác quá rẻ mạt, nhiều khi công sức bỏ ra làm một chiếc nhẫn chỉ được vài chục nghìn đồng. Không được tính tiền công xứng đáng nên các lò sản xuất vàng sẽ gian lận hàm lượng vàng để bù lại.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Từ đó họ buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này đã đặt doanh nghiệp đối diện với thực tế là có thể dính vàng giả, vàng nhái do các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vàng trang sức kém chất lượng có cơ hội tồn tại.

Để bảo vệ người tiêu dùng,  ông Trần Thanh Hải đề xuất, đối với các cửa hàng vàng đăng ký mới thì ngay từ khi họ đăng ký cấp phép, cơ quan hữu quan cần yêu cầu chủ cửa hàng phải ký cam kết sản xuất kinh doanh vàng đúng tuổi, đúng trọng lượng và nếu vi phạm là sẽ bị phạt thật nặng. Hiệp hội Kinh doanh vàng mới đây cũng đã đề nghị Bộ KH&CN đánh giá lại những quy định tại Thông tư 22/2014 của Bộ về quản lý chất lượng vàng. Qua đó để sửa đổi, bổ sung những điều khoản không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nâng cao chất lượng vàng lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng và của người tiêu dùng.


Hải Phong
Ý kiến của bạn