Phát hiện mới ở não trẻ tự kỷ nhờ chụp MRI

05-04-2019 09:55 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cho đến nay, việc chụp MRI vẫn là bất khả thi đối với trẻ và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ đồng thời bị hạn chế về ngôn ngữ và trí tuệ (gọi tắt là nhóm hạn chế NN&TT) nếu không sử dụng thuốc an thần.

Chụp MRI luôn là một thử thách cho tất cả mọi người. Việc phải đội mũ bảo vệ nửa đầu và nằm yên trong buồng MRI kín mít trong vòng 45 phút thậm chí có thể làm cho những người không mắc chứng sợ không gian hẹp cũng thấy bất an. Cho đến nay, việc chụp MRI vẫn là bất khả thi đối với trẻ và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, đồng thời bị hạn chế về ngôn ngữ và trí tuệ (gọi tắt là nhóm hạn chế NN&TT) nếu không sử dụng thuốc an thần. Bằng cách sử dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ hành vi để giảm thiểu sự lo lắng và sợ hãi, các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực học thuật thuộc Đại học Brigham Young và Đại học Utah đã thành công trong việc chụp cộng hưởng từ cho trẻ tự kỷ và phát hiện ra những điều thú vị góp phần trị bệnh hiệu quả…

Chụp MRI thành công ở trẻ tự kỷ

Bằng cách sử dụng hàng loạt biện pháp hỗ trợ hành vi để giảm thiểu sự lo lắng và sợ hãi, các nhà nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực học thuật thuộc Đại học Brigham Young và Đại học Utah đã thành công trong việc chụp cộng hưởng từ chức năng và cấu trúc đối với 37 trẻ tự kỷ là trẻ em và thanh thiếu niên, trong đó có 17 trường hợp hạn chế phát triển ngôn ngữ và có chỉ số IQ trung bình là 54.

Trợ lý giáo sư Ryan Kellems, Đại học Brigham Young, đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết khoa học chưa nghiên cứu nhiều về não bộ của nhóm trẻ em và người trưởng thành mắc hội chứng tự kỷ vì rất khó để tiến hành nghiên cứu nhóm này. Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu thực hiện việc chụp cộng hưởng từ cấu trúc đối với những người bị hạn chế về ngôn ngữ và trí tuệ trên cơ sở dùng thuốc an thần.

Chụp MRI cho trẻ tự kỷ.

Nghiên cứu mới này mong muốn tìm ra cách thức theo dõi não bộ của trẻ mắc hội chứng tự kỷ khi não đang trong trạng thái tỉnh và hoạt động. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một video giải thích từng bước của quá trình chụp MRI chức năng để trẻ có thể xem trước nhiều lần ở nhà. Đồng thời cung cấp cho gia đình trẻ các file chứa tiếng động của máy chụp MRI nhằm giúp cho trẻ biết trước và làm quen với những âm thanh sẽ nghe thấy khi thực hiện chụp cộng hưởng từ khi tiến hành chụp thực tế.

Khi trẻ đến để chụp cộng hưởng từ, các nhà nghiên cứu cho trẻ làm quen với máy chụp bằng cách thử ấn nút điều khiển trên máy chụp MRI để trẻ quan sát máy chuyển động lên xuống. Và khi bắt đầu chụp thật, các bác sĩ sẽ trấn an trẻ, nắm tay trẻ và nhắc trẻ không cử động.

Phát hiện mới ở não trẻ tự kỷ

Sau khi thực hiện chụp MRI thành công, nhóm nghiên cứu bắt tay vào việc phân tích để so sánh nhóm hạn chế NN&TT với nhóm trẻ có chức năng cao hơn, cũng như so với trẻ bình thường. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, đối với nhóm hạn chế NN&TT, nhiều hệ thống trong não không hoạt động một cách đồng bộ. Các nhà khoa học nhận thấy có tình trạng thuyên giảm tương tác giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải. Đồng thời, các nhà khoa học cũng phát hiện ra mức độ kết nối hệ thống trong não bộ của trẻ trong nhóm hạn chế NN&TT là cao hơn so với nhóm trẻ bình thường.

Giải thích cho điều này, PGS. Mikle South, đồng chủ nhiệm nghiên cứu về tâm lý và thần kinh học cho biết, khi trẻ bị hạn chế ngôn ngữ bạn đoán não của trẻ hoạt động ở mức thấp nhưng đôi khi não trẻ hoạt động mạnh hơn thế. Mức độ tập trung của não thất thường, đôi lúc quá cao nhưng đôi lúc lại quá thấp. Có nhiều cách thức hoạt động khác nhau của não bộ khi trẻ để ý đến những việc khác nhau.

Việc hiểu được những gì diễn ra trong não của người mắc chứng tự kỷ, cách thức thông tin được não bộ xử lý như thế nào,  người tự kỷ quan tâm đến điều gì và không quan tâm đến điều gì... sẽ giúp các nhà nghiên cứu và những người trực tiếp thực hiện việc điều trị  can thiệp cho người tự kỷ tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người tự kỷ và gia đình họ.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ mở rộng phạm vi đối tượng  ở trẻ nhỏ tuổi hơn và trẻ hạn chế ngôn ngữ hơn.

Ngày 18 tháng 12 năm 2007, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã ra Nghị quyết số A/RES/62/139 công bố chọn ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới Nhận thức về Chứng Tự kỷ, và kêu gọi các cơ quan Liên hiệp quốc, các quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc cùng các tổ chức khác tổ chức hưởng ứng và kỷ niệm Ngày Thế giới Nhận thức về Chứng Tự kỷ 2/4 hàng năm để nâng cao hiểu biết của công chúng về tự kỷ. Trong Nghị quyết này, hội chứng tự kỷ được ghi nhận là: “một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường xuất hiện trong ba năm đầu tiên, do rối loạn hệ thần kinh kéo theo các ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, xảy ra với trẻ em tại các quốc gia bất kể giới tính, chủng tốc, điều kiện kinh tế, và được thể hiện bằng các dấu hiệu như các khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp không lời và giao tiếp bằng lời nói, đi kèm các sở thích và hành vi hạn hẹp và lặp đi lặp lại”.




Đậu Vũ Đăng Khôi
Ý kiến của bạn