Phát hiện mới, bụi mịn PM2.5 gây ra tình trạng mỡ máu cao

18-04-2023 10:05 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Sự tăng cholesterol xấu và cholesterol toàn phần, tạo nên tình trạng rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu) vừa được chứng minh là có liên quan đến một loại bụi mịn xuất hiện ngày một nhiều trong không khí, đó là loại bụi mịn PM2.5. Loại bụi mịn PM2.5 này còn gây ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch, hệ hô hấp...

1. Bụi mịn PM2.5 là gì?

Đó là một loại bụi mịn bay trong không khí, các hợp chất có trong bụi còn được gọi chung là Particulate Matter - ký hiệu PM. PM2.5 là loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron. PM2.5 là dạng vật chất hạt siêu nhỏ trong không khí ô nhiễm, được giải phóng qua khói xe (ô tô, xe máy…) chạy bằng xăng, dầu, từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, cháy rừng, núi lửa... Từ lâu đã được chứng minh qua các nghiên cứu dạng quan sát là làm tăng nguy cơ nhiều bệnh cho con người.

2.Tác hại của bụi mịn PM2.5 đối với sức khỏe con người

Trong nghiên cứu mới được công bố trên Scientific Reports, nhóm khoa học dẫn đầu bởi ba nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Giang Tô và Đại học Giang Tô (Trung Quốc) đã chứng minh rằng phơi nhiễm PM2.5 tỉ lệ thuận với mức cholesterol xấu (thấp) tức là LDL cholesterol trong máu. Loại này có chứa mật độ lipoprotein thấp và được xem là một loại Cholesterol xấu đối với cơ thể. Cholesterol xấu này có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm cho con người như đột quỵ, xơ vữa động mạch, sỏi thận, các bệnh về đường hô hấp, tăng mỡ máu...
Thêm một nguyên nhân làm tăng mỡ máu - Ảnh 2.

Bụi mịn PM2.5 gây tác hại cho sức khỏe con người

Như ta đã biết, tăng mỡ máu (bao gồm cholesterol toàn phần và cholesterol xấu) là vấn đề nguy hiểm bởi có thể làm xơ vữa thành động mạch, từ đó gây cản trở lưu thông của dòng máu, nhất là khi mảng xơ vữa bị bong ra chúng đi theo dòng máu đến mạch máu não làm tắc động mạch não gây đột quỵ, đi đến động mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim, đến thận gây sỏi thận…

Tác hại của bụi mịn PM2.5 đã được một số nhà khoa học tiến hành xác định trên bệnh nhân. Cụ thể, công trình được thực hiện tại Bệnh viện Nhân dân Nghi Hưng (Giang Tô - Trung Quốc) trên các bệnh nhân tham gia khám sức khỏe từ năm 2015 đến 2020. Các tác giả đã thu thập báo cáo về các chỉ số liên quan đến mỡ máu như cholesterol xấu LDL, cholesterol tốt HDL có chức năng quan trọng là vận chuyển cholesterol dư thừa về gan để gan xử lý. Tại gan các cholesterol sẽ được chuyển hoá và thải ra khỏi cơ thể.

Kết quả nghiên cứu có 198.000 người tham gia đã chỉ ra những người đã tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong không khí nhiều nhất, chủ yếu do môi trường sống và làm việc, có mức cholesterol xấu và cholesterol toàn phần cao hơn hẳn. Tuy rằng, nghiên cứu của các tác giả chưa báo cáo cơ chế tác động cụ thể của bụi mịn PM2.5 làm tăng mỡ máu (mỡ máu cao) nhưng đây là lời cảnh báo và cần có hành động chống lại sự ô nhiễm không khí bởi PM2.5 là rất cần thiết.

3. Bụi mịn PM2.5 lơ lửng trong không khí từ đâu mà có?

Trước hết phải kể đến do các phương tiện giao thông nhất là xe cơ giới vừa đào thải khói từ các động cơ xe máy, ô tô đốt nhiên liệu (xăng, dầu…) vừa cuốn bụi mặt đường đưa vào không khí từ đó làm gia tăng lượng bụi mịn lớn làm ô nhiễm không khí. Thứ đến là khói, bụi trong sinh hoạt hàng ngày của con người như việc sử dụng bếp than, bếp củi, bếp dầu để nướng thực phẩm sẽ sinh ra lượng khói thải nhất định, làm gia tăng bụi mịn trong không khí. Lượng khí thải lớn nhất là từ sản xuất công nghiệp tại các nhà máy, xưởng sản xuất, khu công nghiệp thường thải một lượng lớn khói thải ra môi trường, không khí, từ đó làm gia tăng lượng bụi mịn trong không khí.

Bên cạnh đó phải kể đến rác thải trong sinh hoạt, rác công nghiệp sản sinh ra bụi mịn kèm vô số vi sinh vật gây bệnh từ đó làm ảnh hưởng đến luồng không khí sạch mà con người hít thở hàng ngày.

Ngoài ra, các công trình xây dựng nhà máy, công xưởng, chung cư, cao ốc, cầu đường… là những nguyên nhân gây ra bụi mịn trong môi trường, làm ảnh hưởng đến không khí nghiêm trọng. Hoặc do đốt rơm rạ sau một mùa gặt lúa sẽ sinh ra khói thải độc hại, bụi mịn PM2.5 làm ảnh hưởng đến luồng không khí sạch trong môi trường gây hại cho sức khoẻ cho con người.

Thêm một nguyên nhân làm tăng mỡ máu - Ảnh 3.

Nên bổ sung rau quả để phòng bệnh.

4. Phòng tránh nhiễm PM2.5

Để phòng tránh nhiễm bụi mịn PM2.5 gây nên tăng mỡ máu cũng như các bệnh khác cho cơ thể, việc đầu tiên là cần phải giảm triệt để các nguồn gốc sinh ra và phát tán bụi. Đồng thời ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông với nhiên liệu thân thiện với môi trường, ô tô, xe máy điện. 

Song song cần phải phủ xanh môi trường sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở mỗi người, cộng đồng. Nếu có thể hãy tránh xa các nguồn gây ô nhiễm không khí, khi ra đường hãy đeo khẩu trang, tốt nhất là loại có lọc khí chuyên dụng giúp lọc sạch không khí đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

Ngoài ra, cũng cần phải nâng cao hệ thống miễn dịch bằng cách có kế hoạch ăn uống hợp lý với khẩu phần ăn giàu chế độ dinh dưỡng, rau xanh, trái cây giàu vitamin...để giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, giúp cơ thể có thể chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxy cho tế bào... 

Chế độ ăn uống giúp giảm mỡ máu bạn cần biết để hạn chế nguy cơ đột quỵChế độ ăn uống giúp giảm mỡ máu bạn cần biết để hạn chế nguy cơ đột quỵ

SKĐS - Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn có thể giúp kiểm soát mức mỡ máu cao trong cơ thể. Bạn sẽ học cách thay đổi chế độ ăn uống và những thực phẩm nên ăn, hạn chế hoặc tránh nếu bạn bị cholesterol cao.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Tăng Cường Tiêm Chủng, Sử Dụng Hiệu Quả Vaccine COVID-19 Đã Phân Bổ I SKĐS

PGS.TS.Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn