Chiều 15/3, ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, hai du khách nước ngoài vừa chụp được ảnh loài mang Trường Sơn cực hiếm tại khu vực rừng Bạch Mã, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).
Mang Trường Sơn (tên khoa học Muntiacus truongsonenis) là loài thú móng guốc thuộc họ hươu nai Cervidae, phân họ Muntiacinae, giống Muntiacus.
Loài mang Trường Sơn từng được phát hiện trong dãy núi Trường Sơn ở Việt Nam vào năm 1997. Sau nhiều năm do không thấy xuất hiện nên tưởng chừng loài mang này tuyệt chủng, tuy nhiên đến năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mang Trường Sơn ở vùng núi rừng thuộc Thừa Thiên -Huế. Trong 5 năm trở lại đây, thông qua các hoạt động giám sát đa dạng sinh học, vườn đã ghi nhận sự xuất hiện loài mang này ở nhiều vị trí trong rừng Bạch Mã thông qua hệ thống của các bẫy ảnh.
Mang Trường Sơn là loài động vật đặc hữu đang trong tình trạng nguy cấp. Mang Trường Sơn có thân hình giống hoẵng, nhưng nhỏ hơn hoẵng và gần như nhỏ nhất trong họ Hươu nai Cervidae, trọng lượng từ 14 - 20kg. Toàn thân phủ lớp lông mịn màu vàng nâu hoặc vàng rỉ sắt. Bốn chân mảnh khảnh. Đuôi mập. Con đực có sừng ngắn không phân nhánh. Sọ hình dạng giống như sọ hoẵng, nhưng kích thước nhỏ hơn. Hố mắt và hố tuyến lệ tròn hơn. Cả đực và cái đều có răng nanh dài thò ra khỏi miệng.
Khu vực phân bố của mang Trường Sơn không rộng, sinh cảnh sống hạn chế trong các cánh rừng già, chúng dễ dàng bị săn bắn, bẫy bắt thường xuyên. Ngoài mang Trường Sơn, trên núi Bạch Mã còn nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, như: gà lôi trắng, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền, gà lôi hông tía, tê tê, cầy bay, vọoc vá chân nâu,..
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 15/3: Miền Bắc còn mấy đợt không khí lạnh trong tháng 3? | SKĐS