Phát hiện kháng sinh azithromycin gây biến cố trên tim mạch

02-04-2013 11:11 | Dược
google news

Trong danh sách kháng sinh trị bệnh viêm đường hô hấp (viêm tai mũi họng, viêm phổi) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì azithromycin được dùng phổ biến nhất.

Trong danh sách kháng sinh trị bệnh viêm đường hô hấp (viêm tai mũi họng, viêm phổi) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì azithromycin được dùng phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong những công bố nghiên cứu mới nhất về tác dụng phụ của kháng sinh người ta chú ý nhiều đến azithromycin và những biến cố nguy hiểm.

Phát hiện kháng sinh azithromycin gây biến cố trên tim mạch  1
 Hình ảnh cảnh báo azithromycin gây các biến cố tim mạch.

Tâm điểm nhằm vào azithromycin

Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Vanderbilt (bang Tennessee, Hoa Kỳ) đã điều tra 348.000 đơn thuốc có azithromycin. Toàn bộ số đơn thuốc này được kê trong khoảng thời gian từ năm 1992 - 2006. Vấn đề mà các nhà nghiên cứu quan tâm chính là biểu hiện lạ thường và tác dụng phụ nguy hại cho người đã dùng azithromycin. Nhiều tác dụng phụ được nhà sản xuất ghi mập mờ, ít chú trọng thì rất nhiều người bệnh gặp phải. Tác dụng phụ đáng ngại nhất có liên quan đến bệnh tim mạch. Chưa rõ do sự lựa chọn đối tượng nghiên cứu hay là do sự đặc thù của tác dụng phụ, nhưng loại kháng sinh thông thường này đã gây ra nhiều cái chết tim mạch cao hơn hẳn so với những người dùng kháng sinh nhóm beta lactam hay không dùng kháng sinh.

Nhằm loại trừ các yếu tố gây nhiễu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ tính toán dịch tễ. Kết quả đưa ra, những người dùng kháng sinh azithromycin có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những người không dùng loại kháng sinh này là 2,5 lần. Nguy cơ tử vong là chết vì bệnh tim mạch. Với những người không có nguy cơ tim mạch thì tỷ lệ tử vong của người dùng azithromycin là (47/1 triệu), còn với người có nguy cơ tim mạch thì tỷ lệ chết tăng thêm 257/1 triệu. Như vậy, ngay cả với người bình thường cũng có hiện tượng chết vì bệnh tim mạch do azithromycin gây ra.

Chú ý tác dụng phụ

Azithromycin là một kháng sinh phổ rộng nằm trong nhóm macrolid. Cơ chế tác dụng của thuốc nằm ở quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh muốn sinh sản, phát triển và gây bệnh, chúng cần có protein. Nhưng azithromycin đã tác động vào quá trình này và làm ngừng hãm sự tổng hợp protein của vi khuẩn. Khi có mặt trong cơ thể, azithromycin gắn vào đơn phân 50S của ribosom. Sự gắn kết này làm sai lạc hoạt động tổng hợp protein của ribosom. Do đó, quá trình tổng hợp không diễn ra được và vi khuẩn bị ngừng phát triển và suy yếu.

Thuốc ngấm dễ dàng vào các mô của hệ hô hấp như phổi, phế quản, tai, mũi, họng. Vì thế, thuốc thích hợp điều trị các bệnh hệ hô hấp. Thuốc lại rất có tác dụng với các vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, những mầm bệnh thường gặp của viêm đường hô hấp nên thuốc hay được dùng ưu tiên trong nhóm bệnh này.

Tác dụng phụ thường gặp ở đây là phát ban ngoài da, sưng nề dị ứng, khó thở, khó nuốt, đau bụng, buồn nôn. Một tác dụng phụ ít khi được chú ý đó là tác dụng phụ trên hệ tim mạch. Thuốc có biểu hiện gây ra rối loạn nhịp tim đến mức nghiêm trọng và tử vong, mặc dù tỷ lệ không lớn nhưng chúng ta cần cảnh giác với tác dụng phụ này.

Ngoài azithromycin, nhiều kháng sinh thông thường kháng cũng ẩn chứa các nguy cơ. Ví dụ như penicillin nằm trong nhóm beta lactam có thể dễ dàng gây dị ứng đến sốc thuốc, gentamicin, streptomycin, tobramycin có thể dễ dàng gây điếc và rối loạn tiền đình nghiêm trọng, quinolon có thể làm rối loạn sự phát triển của sụn đến đứt gân gót chân...

Hiểu đúng về cách dùng

Với các kháng sinh thông thường, chúng ta cần hết sức chú ý trong sử dụng. Mục tiêu cuối cùng đó là bệnh thì lui mà sức khỏe thì được bảo toàn. Những lưu ý sau cần hết sức quan tâm:

 Không tự ý mua thuốc kháng sinh dùng mà không có ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ. Vì thuốc có nhiều tác dụng phụ mà với người thông thường khó mà biết hết được.

Thời gian dùng kháng sinh trong một liệu trình phải theo đúng khuyến cáo của từng loại thuốc. Thời gian này đủ để tiêu diệt vi khuẩn và hồi phục sức khỏe. Nếu sau một liều dùng thuốc theo đúng chỉ định mà bệnh không hết, chúng ta không nên vội vàng kê thêm một đợt dùng tiếp theo mà cần kiểm tra lại cách dùng thuốc để đảm bảo không có sự tương tác có hại với thuốc điều trị. Kiểm tra lại sức khỏe người bệnh để có chẩn đoán đúng bệnh. Kiểm tra lại mầm bệnh để đánh giá lại căn nguyên vi khuẩn. Những động tác này vừa đảm bảo điều trị được đúng bệnh lại vừa đảm bảo không tổn hại sức khỏe bệnh nhân.

Trong quá trình dùng thuốc kháng sinh, cần hết sức chú ý các biến đổi và các bất thường xảy ra. Rất có thể tác dụng phụ mà người bệnh gặp là ít xảy ra. Tác dụng phụ xảy ra cũng có sự khác nhau giữa người này và người khác. Vì thế, cần lưu ý mọi tác dụng và xem xét cẩn thận trước khi đưa ra quyết định có dùng tiếp hay không.

Với người bệnh bị các bệnh nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy tim, suy thận, mọi biến đổi đe dọa tính mạng sống cần được khám và kiểm tra trực tiếp mà không nên tư vấn từ xa. Tác dụng phụ đe dọa tính mạng sống đó là khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết áp, ngất. Chúng ta cần lưu ý, rối loạn nhịp tim có thể thông thường nhưng có thể gây ra đột tử nhanh không kịp trở tay.            

 BS. Lê An Viên


Ý kiến của bạn