Hà Nội

Phát hiện “ kẻ” thúc đẩy ung thư di căn

30-07-2015 11:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) tuyên bố, họ vừa khám phá ra một phân tử đơn lẻ có tên gọi DNA-PKcs là “yếu tố then chốt” thúc đẩy sự di căn ở bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) tuyên bố, họ vừa khám phá ra một phân tử đơn lẻ có tên gọi DNA-PKcs là “yếu tố then chốt” thúc đẩy sự di căn ở bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Di căn được coi là giai đoạn cuối của ung thư. Khối u trải qua hàng loạt thay đổi về ADN - đột biến - khiến các tế bào di động hơn, cho phép chúng xâm nhập đường máu. Các tế bào cũng trở nên “nhớt dính” hơn, giúp chúng neo bám vào các vị trí mới, chẳng hạn như xương, phổi, gan hoặc não.

Những quá trình dẫn đến sự di căn rất phức tạp, bao gồm nhiều chuỗi phản ứng hóa sinh khác nhau, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng, chỉ một phân tử nằm ở vị trí cội rễ của rất nhiều trong số chúng. Phân tử đó là DNA-PKcs, một kinaza sửa chữa ADN.

Kinaza là một dạng enzym chuyên tái gắn các dải ADN bị đứt gãy hoặc đột biến trong một tế bào ung thư, đóng vai trò như chất keo đối với nhiều mảnh đứt vỡ của ADN, do đó duy trì sự sống cho một tế bào thông thường cần phải tự hủy.

Trong nghiên cứu này, GS. Knudsen và các cộng sự khám phá ra rằng, DNA-PKcs còn có các vai trò khác, vươn xa hơn ở bệnh ung thư: đảm nhận vị trí điều phối then chốt của một mạng lưới kích hoạt toàn bộ các quá trình di căn. Đặc biệt, DNA-PKcs điều biến một enzym khác, cho phép nhiều tế bào ung thư trở nên di động cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình trọng yếu khác như sự di trú và xâm nhập tế bào.

Khám phá mới này sẽ giúp các nhà chuyên môn tìm ra một loại thuốc có thể ngăn chặn các khối ung thư tuyến tiền liệt lây lan. Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng, khám phá này sẽ mở đường cho sự ra đời của những phương pháp điều trị hiệu quả mới đối với các dạng ung thư khác.

Lan Anh (Theo Reuter, 7/2015)

 

 

 


Ý kiến của bạn