Một số đồ gốm sứ cao cấp sử dụng cho hoàng gia thời Lý - Trần - Lê - Lê Trung Hưng (từ TK 11 - TK18) đã được phát hiện tại 4 hố ở khu vực khảo cổ nút giao thông Ô Chợ Dừa – Đàn Xã Tắc.
Theo ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học, khi khai quật khảo cổ tại nút giao thông Ô Chợ Dừa – Đàn Xã Tắc, với diện tích khai quật 80m2 nằm ở vị trí các trụ PR1, PR2, PR3, PR4, Viện khảo cổ học đã mang những di vật gồm gạch, ngói, gốm sứ về Bảo tàng Hà Nội để tiến hành công việc hậu khai quật. Một số gốm sứ được phát hiện thuộc loại thông thường, một số khác thuộc loại cao cấp sử dụng trong hoàng gia. Số di vật này có từ TK11-TK18.
Theo nghiên cứu sơ bộ, số gốm sứ cao cấp này có thể được sử dụng để phục vụ sinh hoạt đồn trú cho một bộ phận người canh giữ cửa ô này.
Hoặc cũng có thể những đồ gốm sứ này phục vụ trực tiếp nghi lễ thờ cúng Đàn Xã Tắc. Theo những thư tịch cổ và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, thì đây là cửa Trường Quảng của La Thành Thăng Long trong lịch sử.
Ông Tín cho rằng, với mỗi hố thám sát rộng chừng 20m2 thì việc khai quật tại nơi đây mới được tiến hành trên một diện tích khá nhỏ so với yêu cầu nghiên cứu khảo cổ học lịch sử.
Khu vực phát hiện di vật thuộc tổng thể di tích nhưng chưa phải là khu vực chính. "Có thể đây là khu cư trú trong thành. Khu vực di tích này có liên quan mật thiết đến La Thành Thăng Long, và có thể là cả với đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, do diện tích hố đào quá nhỏ nên chưa thể xác định mối quan hệ giữa chúng”, ông Tống Trung Tín nhận định.
Theo ông Tín, dù không phát hiện nhiều hiện vật quý, tầng kiến trúc tiêu biểu nhưng có thể thấy rằng, các nhà khoa học đã phản đối việc thi công nút giao thông này trước kia vì ảnh hưởng tới đàn Xã Tắc là sự thận trọng không thừa.
Bản thân khu vực Ô Chợ Dừa này có tới 3 di tích chồng lên nhau. Đó đều là những di tích nổi tiếng, gồm làng cổ lâu đời, cửa ô Trường Quảng và La Thành nên khảo cổ tại khu vực này là việc phải làm.
Dù phát hiện một số gốm sứ cao cấp nhưng vùng khai quật nhỏ, những hố đã khai quật lại đúng trụ cầu nên Viện khảo cổ học đã bàn giao lại hiện trường cho Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng cầu vượt Ô Chợ Dừa.
Trong quá trình bàn giao cho Ban quản lý dự án, phía Viện khảo cổ học cũng có những kiến nghị kèm theo.
Theo đó, trong trường hợp dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu có bất kỳ thay đổi nào về mặt thiết kế và xây dựng có khả năng xâm hại đến hiện trạng đường La Thành và khu vực di tích Đàn Xã Tắc thì cần phải báo ngay cho cơ quan quản lý văn hóa.
"Lẽ ra khi muốn xây dựng một công trình nào đó, việc đầu tiên là phải khảo cổ rồi mới tiến hành công việc tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta hiện nay hay làm ngược lại, hoặc làm song song do không có kinh phí.
Nhưng xét thấy trụ cầu vượt qua di tích không phải là vị trí trung tâm, xét thấy nhu cầu hài hòa cùng phát triển giữa khảo cổ và xây dựng nên các nhà khảo cổ học đã rất trung thực khi công bố kết quả. Quá trình xây dựng mà phát hiện ra di tích thì Ban quản lý phải báo cáo với cơ quan quản lý văn hóa ngay, đó cũng là cách ứng xử với di sản dù quy trình này ngược", ông Tín cho biết thêm.
Theo Vietnamnet