Phát hiện đột phá này giúp tái tạo gan bị tổn thương mà không cần phương pháp xâm lấn như cấy ghép gan.
Nếu gan của người bệnh bị hư hỏng, phương pháp điều trị duy nhất hiện nay là thay thế bằng gan mới của người hiến tặng. Cấy ghép gan là biện pháp điều trị bệnh gan giai đoạn cuối và suy gan cấp tính. Các ca phẫu thuật cấy ghép gan hết sức phức tạp, thường cần tới 2 - 3 bác sĩ phẫu thuật và mỗi ca có thể kéo dài từ 4 - 18 giờ. Hiện nay, phẫu thuật cấy ghép gan được thực hiện ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu... Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân sống sót 1 năm sau phẫu thuật đạt 80-85% nhưng kỹ thuật để thực hiện một ca cấy ghép gan rất phức tạp, nguy cơ biến chứng cao, điều quan trọng là số lượng gan được hiến tặng thấp hơn nhiều so với số bệnh nhân cần cấy ghép.
Phát hiện mới giúp tái tạo gan bị tổn thương mà không cần ghép gan.
Bằng cách giải trình tự tế bào trong mô gan của thai nhi, các nhà nghiên cứu từ Đại học King College London, Anh đã xác định được một tế bào gan chưa được biết đến trước đây có những đặc tính tương tự như tế bào gốc. Nếu đúng như vậy, các chuyên gia hy vọng loại tế bào này sẽ giúp tái tạo gan bị tổn thương mà không cần cấy ghép.
Bác sĩ chuyên khoa gan Tamir Rashid từ King College London cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi đã phát hiện ra các tế bào có đặc tính giống tế bào gốc thực sự có thể tồn tại trong gan người”. Ông cho biết thêm: “Điều này giúp mở ra hy vọng mới trong điều trị bệnh gan, cả việc cấy ghép gan là điều không cần thiết”.
Sử dụng giải trình tự RNA đơn bào, Rashid và các đồng nghiệp đã phát hiện các thành phần tế bào khác nhau được tìm thấy trong gan của trẻ sơ sinh và trong gan của người trưởng thành. Trong cả hai trường hợp, mặc dù biểu hiện của chúng hơi khác nhau, nhóm nghiên cứu vẫn nhận thấy sự hiện diện của một loại tế bào cụ thể có tên viết tắt là HHyP.
Nghiên cứu sâu hơn về tế bào này, các nhà khoa học nhận thấy HHyP của con người có sự tương đồng đáng kinh ngạc với một số tế bào gan ở chuột, được chứng minh là có thể nhanh giúp chữa lành gan ở loại gặm nhấm sau khi gan bị tổn thương. Tuy nhiên, cho đến nay, không có loài nào khác có sự tương đồng này với tế bào gan của người.
Trong trường hợp này, các HHyP được phát hiện là tiền thân của 2 tế bào gan chính, khác biệt với tất cả các tế bào khác - một cho gan được gọi là tế bào gan và một cho ống mật được gọi là cholangiocytes hoặc BEC. Sau chấn thương gan cấp tính ở chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng 2 loại tế bào này có thể khôi phục khối lượng và chức năng gan. Hơn nữa, khi 1 trong 2 loại tế bào này bị suy yếu ở chuột, loại kia có thể lấp đầy khoảng trống. Thử nghiệm trên chuột cho thấy chỉ trong 4 tuần, quần thể tế bào HHyP không chỉ sinh sôi nảy nở mà chúng còn biệt hóa thành tế bào gan.
Rõ ràng, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trong việc nghiên cứu sử dụng các tế bào gốc trong việc thay thế ghép gan ở người, nhưng những kết quả sơ bộ này là một bước tiến lớn trong điều trị bệnh gan. Nếu các tế bào gốc đa năng cảm ứng có thể được biến thành tế bào HHyP và sau đó được cấy ghép vào gan bị tổn thương, các nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể giúp tái tạo mô bị tổn thương và hình thành gan như ban đầu.
TS. Rashid cho biết: “Điều cần làm bây giờ là nhanh chóng mở khóa công thức chuyển đổi các tế bào gốc đa năng thành HHyP để có thể cấy ghép các tế bào đó vào bệnh nhân theo ý muốn. Về lâu dài, các nhà khoa học đã nghiên cứu để xem liệu có thể lập trình lại HHyP trong cơ thể mà không cần sử dụng biện pháp cấy ghép gan”.