Phát hiện, chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng

22-12-2014 11:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể về chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng, nhưng kết quả cũng chỉ đạt 40 - 50% người bệnh UTBT sống thêm 5 năm sau điều trị.

Ung thư buồng trứng là một dạng ung thư xấu

Ung thư (UT) buồng trứng (BT) chiếm 4% các UT ở nữ giới, đứng thứ 3 sau UT cổ tử cung và UT vú ở phụ nữ 40 - 60 tuổi. Mỗi năm ở Hoa Kỳ có 22.430 trường hợp UTBT mới được chẩn đoán và 15.280 phụ nữ tử vong vì UTBT (tỉ lệ tử vong 68%). Do đó, UTBT trong thời gian qua được giới y học xem như “kẻ sát nhân thầm lặng” của phụ nữ.

Trong 20 năm qua, mặc dù có nhiều tiến bộ đáng kể về chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng, nhưng kết quả cũng chỉ đạt 40 - 50% người bệnh UTBT sống thêm 5 năm sau điều trị. Lý do: UTBT có nguồn gốc xuất phát đa dạng từ một trong nhiều lớp tế bào của BT, bệnh có diễn tiến nhanh, sự phân định bướu lành hoặc ác tính (tức là UTBT) khó và khoảng 70% nhập viện điều trị ở giai đoạn muộn (III, IV).

Bướu BT lành - ác tính

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bướu BT có nguồn gốc xuất phát từ 1 trong 3 thành phần: lớp tế bào biểu mô (chiếm 70%), lớp tế bào mầm (28%), mô đệm, dây sinh dục (2%).

 

UTBT di căn đến các cơ quan khác.

Bướu BT lành tính hay gặp ở chị em phụ nữ trưởng thành, trong độ tuổi sinh sản (20 - 40 tuổi) chiếm 75% các trường hợp. Khoảng 90% bướu BT lành tính có dạng bướu bọc (còn gọi là u nang BT) với vỏ bọc trơn láng bao phủ bên ngoài, bên trong chứa dịch trong hoặc dịch nhầy. Bướu BT lành tính thường có diễn tiến chậm và không xâm lấn các cơ quan kế cận.

 

10% bướu BT lành tính có dạng đặc, với vỏ bọc bên ngoài, bên trong có chỗ chứa dịch, có chỗ đặc chứa mô sụn, răng, tóc. Bướu có tên là bướu quái.

Bướu BT ác tính hay UTBT thường gặp ở chị em phụ nữ sau mãn kinh, độ tuổi trên 50 -60 và khoảng 90% có nguồn gốc tế bào biểu mô.

Việc xác định tính chất lành - ác và đặc điểm mô bệnh học rất quan trọng trong điều trị. Ngoài ra, một số ít bướu BT có thể thuộc nhóm giáp biên (bordeline), bản chất lành - ác tính khó phân biệt. Công tác điều trị và theo dõi cần chặt chẽ và xử trí kịp thời khi có biểu hiện bất thường.

Thực tế buồn của UTBT

Đối với người bệnh bị bướu BT lành tính, việc chữa trị chủ yếu là mổ cắt bỏ bướu hoặc BT có bướu, quan sát ổ bụng, tử cung, BT đối bên. Lấy mẫu thử giải phẫu bệnh. Nếu kết quả mô bệnh học xác định: bướu BT lành, nên tiếp tục theo dõi thêm một thời gian nữa. Tương lai bệnh tốt.

Có khoảng 70% trường hợp UTBT được chẩn đoán bệnh muộn. Mặc dù được tích cực điều trị bằng phẫu trị (mổ cắt bỏ tử cung, hai BT và cắt mạc nối lớn) và hóa trị bổ túc sau mổ, chỉ có khoảng 30% người bệnh sống thêm 5 năm. Hơn nữa, chi phí điều trị cao, thời gian điều trị dài và nguy cơ bệnh tái phát lan tràn lại trong ổ bụng cũng nhiều (50 - 60%).

Ngược lại, nếu UTBT được phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm (giai đoạn I, II), kết quả sống 5 năm có thể đạt 70 - 80% sau điều trị phẫu thuật. Hóa trị sẽ được xem xét tùy tình huống. Do vậy, việc chú ý phát hiện, chẩn đoán sớm UTBT có giá trị quyết định nhằm cải thiện kết quả điều trị UTBT hiện tại và tương lai.

Bốn triệu chứng cảnh báo UTBT

Hội nghị năm 2007 của Hiệp hội Sản phụ khoa và Hội UT Hoa Kỳ cùng với báo cáo gần đây của BS. William Hamilton, Trường Đại học Bristol, Anh cho thấy: UTBT không lặng im như chúng ta nghĩ. Nó có “lên tiếng”… cảnh báo nhưng chúng ta chưa đủ khả năng giải mã các tín hiệu.

Bốn triệu chứng cảnh báo UTBT ở chị em phụ nữ tuổi mãn kinh:

1. Bụng căng chướng, to dần, nhất là phần bụng dưới rốn.

2. Đau bụng ngầm, kèm theo cảm giác nặng tức bụng dưới rốn.

3. Rối loạn đường tiểu: người bệnh tiểu lắc nhắc nhiều lần trong ngày.

4. Ngán ăn và có cảm giác đầy bụng.

 

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, nếu các triệu chứng trên tái diễn khoảng 3 - 4 tháng và ngày càng rõ rệt, thường xuyên hơn, chị em phụ nữ nên đến khám bệnh tại bệnh viện chuyên khoa Sản phụ để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Chẩn đoán sàng lọc UTBT

Việc chẩn đoán UTBT dạng tế bào biểu mô giai đoạn sớm dựa trên: siêu âm qua ngã âm đạo, định lượng CA 125/huyết thanh.

- Với máy siêu âm 3-D có độ phân giải cao, với đầu dò chuyên dùng và bác sĩ siêu âm có tay nghề, kết quả siêu âm BT qua ngã âm đạo có thể đạt độ tin cậy chẩn đoán 80%.

- Nếu kết quả định lượng CA 125 > hoặc bằng 35U/mL: nghĩ đến UTBT. Lưu ý: chỉ có khoảng 50 - 60% UTBT giai đoạn I, II có CA 125 tăng.

Cần nhớ: việc xác định UTBT vẫn đặt cơ sở chủ yếu vào kết quả giải phẫu bệnh mẫu mô bệnh của khối u BT có được khi thực hiện nội soi ổ bụng, sinh thiết.

Việc tầm soát UTBT chỉ được áp dụng hiện nay với phụ nữ trên 40 tuổi, thuộc nhóm nguy cơ cao: có tiền sử gia đình nhiều người thân bị UT vú, UT BT; có gen BRCA 1, BRCA 2 đột biến, hoặc có tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch II (UT đại tràng không đa pô-líp di truyền).

CA 125 có phải là dấu ấn UTBT?

CA 125 (Cancer Antigen 125) là protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào của 80% các UTBT dạng tế bào biểu mô, với số nồng độ cao rất nhiều hơn bình thường. CA 125 cũng có hiện diện trong huyết thanh của một số UT khác như: UT nội mạc tử cung, UT tụy, UT tai vòi, UT đại tràng…

Ngoài ra, một số tình huống bệnh lý khác ở phụ nữ cũng có nồng độ CA 125 tăng như: bệnh lạc nội mạc tử cung, viêm tụy, mang thai, viêm nhiễm vùng chậu.

Ngày nay, vai trò của CA 125 trong UTBT dạng biểu mô được xác định:

- Có giá trị chẩn đoán xác định UTBT: khi CA 125 tăng cao 3 - 4 lần trị số bình thường (CA 125: 35U/mL) kết hợp với kết quả siêu âm ngã âm đạo, CT-scan bụng và ở phụ nữ sau mãn kinh bị căng chướng bụng dưới rốn kéo dài.

- Có giá trị trong việc theo dõi điều trị: nồng độ CA 125 trong huyết thanh người bệnh UTBT đã phẫu trị, hóa trị sẽ giảm, trở về trị số bình thường khi kết quả điều trị tốt. Nếu CA 125 tăng trở lại, và liên tục tăng thêm theo thời gian, có thể là dấu hiệu bệnh UTBT không đáp ứng điều trị hoặc có tái phát. Người bệnh cần được thăm khám lại và siêu âm bụng, chụp scan bụng kiểm tra.

BS. TRẦN CHÁNH KHƯƠNG

 


Ý kiến của bạn