Ai cũng có thể gặp các cơn đau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Cơn đau có thể thoáng qua nhưng cũng có khi lặp lại với dấu hiệu tăng dần và đó có thể là nguy cơ một số bệnh nguy hiểm.
Thường xuyên đau đầu
Đau đầu là triệu chứng thường thấy, đồng thời cũng là một vấn đề hay bị bỏ qua. Phần lớn mọi người thường uống những loại thuốc giảm đau đơn giản để chữa đau đầu và sau đó quên luôn biểu hiện đau này. Đau đầu cũng do nhiều lý do: đau theo chu kỳ kinh, đau đầu do vận mạch... Tuy nhiên, đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của chứng tăng huyết áp, thiếu máu não... Đau đầu kèm hoa mắt chóng mặt nhẹ là biểu hiện thường gặp với nhiều người và có thể qua nhanh, nhưng không thể xem thường, vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Đau đầu xảy ra sau khi ngã hoặc chấn thương (thậm chí mất ý thức tạm thời) cần được kiểm tra. Không nên bỏ qua những cơn đau đầu liên tục, ảnh hưởng lớn tới hoạt động hằng ngày. Đau đầu nghiêm trọng thường đi kèm với buồn nôn và nôn. Cảm giác bồn chồn và như kim châm (ngứa ran, tê) kèm theo yếu ở tay và ngón tay báo trước dấu hiệu của một cơn đột quỵ sắp xảy ra và cần được đánh giá kịp thời. Nếu đau đầu kèm theo cảm lạnh đó có thể là dấu hiệu của viêm xoang.
Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và không nên tự chữa đau đầu.
Đau ngực
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây đau ngực, từ những bệnh nhẹ như ợ nóng, trào ngược, bệnh trào ngược dạ dày thực quản tới một số tình trạng khác nghiêm trọng hơn. Khi xuất hiện những cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, có thể có thêm những cơn đau ở phần trên cơ thể (vai, cánh tay, phần trên của lưng, cổ hoặc hàm), đau vùng thượng vị, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau đầu thì đó có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch. Tất nhiên, không phải tất cả các triệu chứng đau ở ngực hoặc tay đều là dấu hiệu đau tim, nhưng bạn cũng nên đi khám bác sĩ để sàng lọc nếu bị đau ở ngực, cánh tay hoặc hàm. Nói chung, những khó chịu liên quan tới bệnh tim ảnh hưởng tới ngực trên, bên trái ngực, cổ họng, hàm, vai hoặc cánh tay trái và có thể kèm theo buồn nôn và đổ mồ hôi. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn càng cần cảnh giác. Những người bị tiểu đường được cho là dễ bị bệnh tim mà không có các triệu chứng điển hình đề cập ở trên.
Đau lưng
Đây lưng là tình trạng thường bị bỏ qua nhất. Phần lớn thời gian đau lưng thường xảy ra do tư thế ngồi sai và thường tự khỏi. Một số thuốc giảm đau phổ biến có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn nhưng nếu đau kéo dài mặc dù đã dùng thuốc thường xuyên hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn, bạn cần cảnh giác. Đau lưng kèm theo dấu hiệu chóng mặt thì có thể là do chứng thoái hóa cột sống, hội chứng thiếu máu não. Đau ở chỗ thắt lưng kèm theo nhức chân, đùi bị tê thì có thể bị bệnh lý về cột sống. Đau lưng do bệnh lao thường kèm theo tức ngực, ho kéo dài, sút cân. Đau lưng do bệnh thận chủ yếu là đau ở hai bên thắt lưng, ngoài ra còn có những triệu chứng như: đi tiểu ít, ăn uống không ngon miệng, phù nề... Nếu đau lưng nhiều ở đoạn cuối lưng, thường xuất hiện một cách đột ngột khi nâng vật nặng hay vận động mạnh thì có thể do thoát vị đĩa đệm. Trong đau lưng do bệnh phụ khoa thì phần lớn là đau nhức phần xương cụt, kèm các triệu chứng như: đau bụng, kinh nguyệt không đều, nhiều khí hư. Ngoài ra, những bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, bàng quang, niệu quản, người bệnh cũng cảm thấy đau lưng.
Đau cổ
Hội chứng đau cổ vai gáy với triệu chứng đau và mỏi cổ, gáy và có thể lan xuống vai rất thường gặp, xảy ra ở mọi giới và ở mọi lứa tuổi. Biểu hiện là đau âm ỉ (hoặc dữ dội) ở cổ, đau có thể lan lên gáy, thái dương, tai hoặc lan xuống vai gây co cứng cơ. Triệu chứng này tăng lên khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân của đau cổ, vai có rất nhiều: nguyên nhân cơ học (tư thế ngồi, tư thế khi làm việc, gối đầu cao khi ngủ, kê đầu trên vật cứng trong một thời gian dài, nằm xem tivi...). Ngoài ra, dấu hiệu đau cổ vai còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như: tổn thương đĩa liên đốt, sau chấn thương hoặc do công việc hằng ngày dẫn đến những chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần (lái xe, sơn trần, làm việc với máy vi tính...).
Đau lưng là tình trạng dễ bị bỏ qua.
Đau bụng
Hiện tượng này thường gặp ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Hầu hết mọi người chỉ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc chống co thắt để làm dịu cơn đau, nhưng về lâu dài, thói quen này có thể gây hại cho thận. Ngoài ra, đau ở vùng bụng có thể là do các bệnh nghiêm trọng như viêm ruột thừa cấp hoặc những bệnh ít nguy hiểm hơn như ợ nóng, trào ngược, viêm dạ dày ruột... Đau bụng cũng có thể là một dấu hiệu của tắc nghẽn đường ruột, viêm loét dạ dày hoặc tụy và các vấn đề túi mật. Ngoài ra, có một bệnh khá nguy hiểm với phụ nữ cũng có dấu hiệu đau vùng bụng dưới là viêm vòi trứng, do vi khuẩn gây viêm ở âm đạo lan theo tử cung lên vòi trứng. Bệnh thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa kỳ kinh, sốt và có nhiều khí hư. Nếu không điều trị tận gốc, các tổn thương có thể gây ra vô sinh hoặc có thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm.
Khi thấy các triệu chứng đau, dù đau nhiều hay ít, dù có gây sốt hay không, mọi người cũng nên đi khám ngay. Không nên dùng bất kỳ thuốc giảm đau nào một cách tùy tiện, vì việc đó sẽ làm giảm khả năng phát hiện triệu chứng bệnh. Đặc biệt với phụ nữ, sức khỏe sẽ sụt giảm đáng kể từ sau khi sinh con, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Vì vậy, mọi người nên đi khám bệnh định kỳ. Dinh dưỡng hằng ngày là yếu tố quan trọng để phòng bệnh. Nguồn dinh dưỡng tốt nhất có từ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là trái cây, rau và các loại ngũ cốc. Để chống lại các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, một số bệnh ung thư, mọi người nên tham gia các hoạt động có mức vận động vừa phải như đi bộ, bơi lội, đạp xe ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục thường xuyên còn giúp hạ huyết áp, giúp xương và khớp khỏe hơn, giảm lo lắng và trầm cảm, giúp bạn ngủ ngon hơn và giảm đau do viêm khớp. Tập yoga, thiền, tập dưỡng sinh cũng rất tốt cho chị em.