Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Duke, Mỹ: Cơ thể con người hóa ra vẫn nắm giữ một cơ chế tái sinh của loài kỳ nhông cách chúng ta 400 triệu năm tiến hóa, chỉ có điều chúng ta chưa khám phá ra cơ chế đó. Các phát hiện cho thấy sụn trong khớp của con người cũng có khả năng tái sinh giống kỳ nhông mỗi khi bị thương hoặc phải làm việc quá sức.
Phát triển thử nghiệm
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, một số loài động vật như kỳ nhông, ngựa vằn có thể tái tạo các chi của chúng là do microRNA - là những phân tử kiểm soát tập hợp lớn các gene khi tham gia vào quá trình tái tạo mô. Và trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học cũng tìm thấy microRNA trong con người, tuy nhiên, chúng không hoạt động mạnh mẽ ở tất cả các bộ phận cơ thể. Qua quá trình tiến hóa, con người vẫn giữ lại microRNA giúp tái sinh sụn đặc biệt ở khu vực sụn mắt cá chân, sụn đầu gối và hông. Sử dụng kỹ thuật quang phổ khối trên 18 mẫu vật, các nhà khoa học có thể xác định cơ chế mà cơ thể chúng ta sửa chữa các mô quanh mắt cá chân, đầu gối và hông - tương tự cơ chế lưỡng cư sử dụng để tái tạo chân mới. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc nghiên cứu quy mô lớn, toàn diện để phát hiện các dấu hiệu tái tạo trong mô người và dường như ở một số khớp “cơ thể chúng ta sửa chữa sụn tốt hơn bất kỳ loài vật nào trước đây”. Nhà sinh lý học Virginia Byers - tác giả chính cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự hiểu biết về khả năng tái tạo “giống kỳ nhông” này ở người có thể là nền tảng cho các phương pháp mới để sửa chữa các mô khớp và thậm chí cả chi của con người”.
Các nhà khoa học nghiên cứu sự tái tạo sụn ở người.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu mô khớp từ hông, đầu gối hoặc mắt cá chân của những người bệnh đã trải qua phẫu thuật. Sau đó, họ đặt mô vào máy quang phổ khối và đo số lượng protein trong mẫu. Họ phát hiện ra rằng tuổi sụn chủ yếu phụ thuộc vào nơi nó trú ngụ trong cơ thể. Các nhà khoa học tiến hành phân tích bằng cách xác định tuổi của protein mô sụn và sụn mắt cá chân (ankle cartilage) là loại trẻ nhất sau đó đến sụn gối (cartilage in the knee) và sụn hông (cartilage in the hips) là già nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp với những quan sát của chúng ta trên các loài động vật có khả năng tái sinh. Theo đó, chúng có thể mọc lại đuôi nhanh nhất, sau đó mới đến chi sau và chi trước. Đồng nghĩa với việc càng xa cơ thể, tuổi của các cơ quan có vẻ càng trẻ và chúng tái sinh càng tốt. Ở người, mức độ hoạt động của microRNA và tuổi sụn cũng giải thích tại sao chấn thương mắt cá chân nhanh lành hơn chấn thương đầu gối và hông. Ngoài ra, chúng ta cũng ít bị viêm mắt cá chân hơn 2 khu vực còn lại. GS. Ming - Feng Hsueh - Đại học Duke cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng các yếu tố điều khiển sự tái sinh chi ở kỳ nhông cũng là yếu tố điều khiển quá trình phục hồi mô sụn khớp ở chi của con người. Chúng tôi gọi đó là “năng lực kỳ nhông bên trong” của con người.
Phát triển phương pháp trị bệnh về xương khớp
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự hiện diện của microRNA có thể bắt nguồn từ một thời điểm nào đó trong lịch sử tiến hóa của loài người. Theo kết quả nghiên cứu, các phân tử microRNA hoạt động mạnh hơn ở mắt cá chân so với đầu gối và hoạt động mạnh hơn ở đầu gối so với hông. Việc trộn microRNA với các hợp chất khác được sử dụng làm thuốc hoặc có thể tiêm microRNA vào khớp để thúc đẩy quá trình tái sinh sụn, đẩy lùi viêm khớp.
Trong tương lai xa hơn, nó thậm chí có thể “thiết lập một cơ sở cho sự tái sinh chân tay ở người” - nghiên cứu công bố. Nhưng chúng ta vẫn còn cả một chặng đường dài để đạt được đến cách điều trị đó. Việc cần làm bây giờ là tìm kiếm những yếu tố tham gia vào quá trình tái sinh mà ở loài kỳ nhông có, con người không có. “Sau đó, chúng ta sẽ xem liệu có thể bổ sung các thành phần bị thiếu trở lại hay không”, GS. Byers Kraus cho biết: Chúng tôi tin rằng tìm hiểu về khả năng tái tạo “giống với kỳ nhông” ở người và các yếu tố khiếm khuyết trong cơ chế này có thể đặt nền tảng cho các phương pháp mới giúp sửa chữa các mô khớp và thậm chí là toàn bộ chân tay của con người”.