Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra đồng loạt các cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân và phát hiện ba cơ sở cất giấu hàng chục biển kiểm soát xe máy giả. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ biển số xe trên, đồng thời đưa chủ các cơ sở này về trụ sở cơ quan Công an để làm rõ.
Tại cơ quan Công an, T.V.H. (sinh năm 1989) chủ cơ sở ở phố Trần Nhật Duật thừa nhận, trong quá trình bán phụ tùng ô tô, khi có khách hỏi làm biển kiểm soát xe giả, người này sẽ nhận với giá 150.000 đồng/chiếc. Sau đó, anh H. lên mạng xã hội tìm người làm biển giả, đặt hàng với giá 100.000 đồng/chiếc.
Cũng theo chủ cơ sở này, khi khách có nhu cầu sẽ phải xuất trình giấy tờ xe để xác định có phải chủ sở hữu hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ phương tiện xuất trình giấy tờ giả, người này thừa nhận cũng không thể biết được.
Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp mua bán, kinh doanh biển kiểm soát xe giả, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng các loại biển này. Trong trường hợp bị mất, rơi, hỏng biển kiểm soát xe, cần đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để cấp lại theo đúng quy định.
Theo thông tư số 58/2020/TT-BCA, Tổ chức và cá nhân sản xuất biển số xe trái phép sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt cụ thể như sau:
- Đối với cá nhân sản xuất biển số xe giả sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng;
- Đối với tổ chức sản xuất biển số xe giả thì có thể phạt tiền đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người có hành vi sản xuất biển số xe giả không chỉ bị phạt tiền mà còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu biển số xe sản xuất trái phép và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Không chỉ vậy, căn cứ theo Bộ Luật Hình sự thì việc làm biển số xe giả để thực hiện các hành vi trái với pháp luật thì người thực hiện hành vi làm biển số xe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
- Mức phạt sẽ từ 30 triệu đồng - 100 triệu đồng và phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc sẽ bị phạt tù từ 06 tháng - 02 năm đối với hành vi người làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật;
- Và cũng tùy theo mức độ phạm tội, người phạm tội còn có thể bị xử phạt lên tới 07 năm tù giam, và bị phạt tiền từ 5 triệu đồng - 50 triệu đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm
Tin nóng: Phẫn nộ clip nam điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân đánh hội đồng ở Bình Phước.