Mẫu đất này được lấy ở độ sâu dưới 90cm trong khu vực sinh hoạt của gia đình ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm là rất khó.
Liên quan đến 3 trẻ cùng một gia đình tử vong trong thời gian ngắn, trong đó 2 trẻ dương tính với khuẩn gây bệnh Whitmore, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã phối hợp các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình. Vi khuẩn này sống sâu dưới lòng đất nên các chuyên gia phải lấy mẫu ở độ sâu ít nhất 30-90cm.
TS.BS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng nguy cơ lây nhiễm là rất khó. Ngoài ra cũng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bệnh Whitmore lây từ người sang người.
Bệnh xảy ra tản phát ở từng cá thể, không gây thành dịch đặc biệt nhóm người có vết xước, tổn thương trên da tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước có vi khuẩn mà không sử dụng các biện pháp phòng hộ như đi ủng cao su, găng tay chống nước, quần áo dài khi lao động…
Kết quả lấy mẫu đất, nước tại các khu vực có nguy cơ cao của hộ gia đình ở Sóc Sơn- Hà Nội có 3 trẻ tử vong đã phát hiện 1 mẫu đất có vi khuẩn Whitmore
Trước đó, như Sức khoẻ & Đời sống thông tin đầu tháng 4/2019, tại gia đình anh T.V.C và chị T.T.N.Q ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có một bé gái 7 tuổi tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày có biểu hiện sốt.
Vài tháng sau đó, trong vòng chưa đầy một tháng (từ ngày 27/10 - 16/11), cũng tại gia đình này có liên tiếp hai con trai tử vong cũng với biểu hiện ban đầu là sốt. Hai trường hợp sau được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Theo các chuyên gia, bệnh withmore không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người, tuy là một bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao. Hiện bệnh đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng. Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh... Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp, thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp-xe cơ, bệnh hệ thống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.
Hiện, bệnh whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là các biện pháp vệ sinh cá nhân, tăng cường phương tiện phòng hộ lao động, tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với bùn đất, nước nhiễm bẩn. Khi cơ thể xuất hiện các vết thương ngoài da, có dấu hiệu nhiễm trùng, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
- Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
- Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.