Chiều ngày 9/12/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa Gia đình- Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động quốc gia về dân số với chủ đề “Duy trì mức sinh thấp hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước” và tổng kết, trao giải cho 36 tác phẩm báo chí tiêu biểu về công tác dân số - KHHGĐ năm 2014.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, ông Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau hơn 50 năm thực hiện các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta đã giảm, từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,1 con vào năm 2013; tỷ lệ tăng dân số cũng giảm còn 1,05%; quy mô dân số hiện nay chỉ khoảng 90 triệu người và tuổi thọ bình quân tăng lên 73 tuổi. Chính sách dân số của nước ta đã từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn các vấn đề dân số, chú trọng vấn đề chất lượng dân số và cơ cấu dân số góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh chính trị, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, quyền năng cho phụ nữ.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về qui mô, cơ cấu dân số, chất lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh vẫn biến động khó lường. Mức sinh tại nhiều tỉnh còn cao, trong khi đó, tại một số địa phương, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, mức sinh giảm quá thấp gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Liên Hợp Quốc dự báo mức sinh của nước ta biến động khó lường, có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi nhưng cũng có thể gây những bất lợi đối với sự phát triển của đất nước. Nếu nước ta để mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/1 phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại ở mức quá cao từ 130 đến 140 triệu, mật độ dân số cao khoảng 400 người/1km2. Điều này sẽ gây áp lực đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm...; bất lợi đối với sự phát triển kinh tế xã hội, cơ cấu nhân khẩu của nước ta trong tương lai. Nhưng nếu để mức sinh tụt xuống quá thấp và tổng tỷ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/ 1 phụ nữ vào năm 2020 thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ đạt cực đại là 95-100 triệu người, điều này sẽ dẫn đến dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh rất bất lợi đối với sự phát triển kinh tế.
Thu Hương
triển kinh tế.Thu Hương