Thông điệp Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay là “Vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe, trí tuệ, tầm vóc và chất lượng cuộc sống; sử dụng các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng hàng ngày”.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò đặc biệt của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng liên quan đến rất nhiều vấn đề sức khỏe như hiện tượng mù lòa ở trẻ em liên quan đến thiếu vitamin A; thiếu máu do thiếu sắt; đần độn kém phát triển trí tuệ do thiếu Iốt.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những cộng đồng bị thiếu Iốt thì chỉ số IQ bị giảm 10% so với những cộng đồng không bị thiếu Iốt. Bên cạnh đó, can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là can thiệp trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện tình trạng bệnh tật và tử vong ở trẻ em.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi Lễ
GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho trẻ uống vitamin A ngay tại buổi lễ phát động Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2017 tại TP. Bắc Ninh.
Tại Việt Nam, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được Chính phủ và ngành y tế quan tâm, nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện có hiệu quả; công tác phối hợp liên ngành đã được thực hiện tốt từ Trung ương đến địa phương và kết quả là chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa ở trẻ em do thiếu vitamin A, tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu, thiếu sắt đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước. Kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi (năm 2015 là 24.6%) và còn có sự chênh lệnh khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc (tỷ lệ thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%). Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng như thiếu máu ở phụ nữ mang thai là 32.8%, trẻ em dưới 5 tuổi là 27,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13% và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Với mục tiêu không ngừng cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người dân đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em, toàn quốc phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em giảm xuống dưới 21.5% ; trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng xuống dưới 8% ; thiếu máu ở phụ nữ mang thai xuống dưới 23%, thiếu máu ở trẻ em xuống dưới 15% và thể lực và tầm vóc người Việt Nam được cải thiện.
PGS. TS. Lê Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng
PGS. TS. Lê Danh Tuyên- Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã cho biết: vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của trẻ, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, sự phát triển bình thường về chiều cao, thể lực và trí tuệ của trẻ. Trong đó thiếu vitamin A gây nên hiện tượng mù lòa; thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu i-ốt gây đần độn và kém phát triển trí tuệ.
Theo PGS. TS. Lê Danh Tuyên, mặc dù Việt Nam đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trước 3 năm so với kế hoạch nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Do vậy, công tác phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn là một nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Hưởng ứng thông điệp Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay, ngành y tế đề nghị các tỉnh/thành phố tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả và an toàn chiến dịch uống bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ 6-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao và cho trẻ 6-36 tháng tuổi tại 41 tỉnh/thành phố còn lại theo quy định. Tiếp tục bổ sung vitamin A cho trẻ có nguy cơ thiếu vitamin A, bổ sung vitamin A phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng và thực hiện tốt việc tẩy giun cho trẻ em 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao. Phấn đấu đạt trên 98% trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A. Bảo đảm không để thiếu Vitamin A, thuốc tẩy giun, đặc biệt quan tâm triển khai ở những vùng khó khăn.
Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân tích cực tham gia chiến dịch và phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ hộ gia đình.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, quan tâm đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng.