Phạt để người sản xuất có ý thức hơn

04-12-2013 22:32 | Tin nóng y tế

SKĐS - Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện 4/8 mẫu cà phê lấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, tỷ lệ cà phê thấp hơn 1%

Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi vừa phát hiện 4/8 mẫu cà phê lấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, tỷ lệ cà phê thấp hơn 1% (trong khi giới hạn cho phép là bằng hoặc lớn hơn 1%). Đáng chú ý có 1 mẫu cà phê của Cơ sở sản xuất cà phê Trung Du, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi không có bất cứ tỷ lệ cà phê nào. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Oai, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Ngãi.


	Ông Nguyễn Văn Oai.

Ông Nguyễn Văn Oai.

PV: Xin ông cho biết từ nguồn thông tin nào Chi cục tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn?

Ông Nguyễn Văn Oai: Hiện nay, giá 1kg cà phê khoảng 200.000 ngàn đồng, trong khi đó 1kg cà phê hột rang xay ra bột cà phê còn 600 - 700 gram. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều người chào bán 1kg cà phê đến các chủ hiệu bán cà phê chỉ có 30 - 60 ngàn đồng/kg. Từ thông tin của quần chúng, Công an kinh tế huyện Sơn Tịnh đã phát hiện ra một vụ cơ sở sản xuất cà phê không đảm bảo chất lượng, từ đó Chi cục chúng tôi đã quyết định tiến hành kiểm tra trên diện rộng và đã phát hiện nhiều vấn đề.

PV: Sau khi phát hiện cơ sở sản xuất cà phê không đảm bảo, dư luận cho rằng khi tiến hành xử phạt các doanh nghiệp, Chi cục ATTP đã “ưu ái” chỉ phạt ở mức 5 triệu đồng trong khi mức tối đa là 25-30 triệu đồng, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Oai: Chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ về vấn đề này. Vừa rồi có mời 4/8 cơ sở bị vi phạm nhưng chỉ có 3 cơ sở tới làm việc. Chúng tôi nhận thấy, 3 cơ sở chủ yếu là những cơ sở làm nhỏ lẻ. Xét thấy tình huống người ta làm có bỏ thêm đậu nành, bắp rang thì những cái đó là ngũ cốc, cũng là những thứ thực phẩm hàng ngày cho nên về nguy cơ độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người thì còn cần phải xem lại. Nếu phạt ở mức tối đa 25 - 30 triệu đồng rất khó thực thi, chủ cơ sở sẽ không đóng hoặc dẫn đến tình trạng chây ì. Thay vào đó, ta phạt với một mức như vậy mà người ta thấy được sai trái của họ, họ đóng phí và họ làm lại đàng hoàng. Đây là định hướng đảm bảo tính răn đe của ngành chức năng và đảm bảo điều kiện thực tế của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

PV: Qua đây, ông có cảnh báo gì đến người tiêu dùng? Cách phân biệt cà thê thật, giả?

Ông Nguyễn Văn Oai: Hiện nay chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các huyện/thành phố, tăng cường công tác kiểm tra các quán cà phê, giải khát trên địa bàn. Qua đó sẽ rà soát lại toàn bộ để tăng cường công tác kiểm soát cà phê đưa vào sử dụng đã được đăng ký chưa. Khi biết cơ sở nào không công bố đăng ký, mình sẽ có hình thức tuyên truyền giáo dục và răn đe họ để có được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Thực ra, ly cà phê sau khi đã pha chế, chúng ta biết được thật giả rất khó. Người tiêu dùng cần lựa chọn các cơ sở sản xuất cà phê có uy tín và thương hiệu. Nếu dùng cà phê tại chỗ cần quan tâm đến bột cà phê để tránh tổn thất về tiền.

Quang Vương (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn