Theo đó, chủ đầu tư thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) cho cư dân sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dường như mức phạt này là quá nhỏ so với những thiệt hại mà người mua nhà phải gánh chịu và chưa đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư (CĐT)...
Thời gian qua, hàng loạt chung cư, cao ốc tại Hà Nội không được cấp sổ hồng vì chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng như vượt tầng, sai thiết kế, phá vỡ quy hoạch... Dù bất kỳ lý do gì thì một loạt chung cư không được cấp sổ hồng đã để lại hệ lụy lớn cho người dân sinh sống tại các dự án này. Ngoài ra, việc nhận nhà nhưng “treo” sổ hồng đã khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp cư dân muốn vay tiền, thế chấp ngân hàng để kinh doanh buôn bán thì không có cơ sở pháp lý hoặc muốn thay đổi chỗ ở, cư dân cũng khó chuyển nhượng được.
Việc chậm trễ trong cấp sổ hồng chung cư hiện nay phần lớn là do lỗi của CĐT như chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước hoặc dự án nhà ở xây dựng thực tế không theo đúng thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt. Đây là nguyên nhân căn bản của hầu hết các trường hợp “treo” sổ hồng hiện nay.
Để siết chặt quản lý, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, nếu chủ đầu tư không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; người nhận chuyển quyền sử dụng đất không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua thì hình thức và mức xử phạt cao nhất 1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên. Cụ thể, từ 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị xử phạt từ 10 - 100 triệu đồng; từ 6 - 9 tháng sẽ bị xử phạt từ 30 - 300 triệu đồng; từ 9 - 12 tháng sẽ bị xử phạt từ 50 - 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên sẽ bị xử phạt từ 100 triệu - 1 tỷ đồng với những vi phạm từ 30 - 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.
Nếu trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 1 tỷ đồng.
Thời gian vi phạm được tính từ ngày chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm sau thời hạn quy định (50 ngày) thì thời gian vi phạm được tính đến ngày chủ đầu tư khắc phục sai phạm.
Trường hợp để xảy ra vi phạm, CĐT buộc phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm giải quyết vấn đề “treo” sổ hồng thuộc về CĐT, nhưng cũng có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng khi không kịp thời xử lý các sai phạm của CĐT, để sai phạm của CĐT kéo dài... khiến người mua nhà chịu thiệt. Về cơ bản, vấn đề “treo” sổ hồng là do lỗi xuất phát từ CĐT, tuy nhiên, nhìn nhận một cách rộng hơn, lỗi của CĐT sẽ không diễn ra hoặc sẽ phải khắc phục kịp thời ngay nếu công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của các CĐT từ các cơ quan chức năng được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời. Chính vì vậy, dẫn tới việc CĐT coi thường pháp luật, coi thường quyền lợi của người mua nhà. CĐT không thể ngang nhiên vi phạm nếu công tác thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Vì vậy đi đôi với việc đưa ra mức phạt cao thì việc giám sát thực hiện nghĩa vụ với khách hàng của các chủ đầu tư dự án bất động sản cũng cần được thực thi nghiêm ngặt hơn.