Xem video Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Đại hội đồng Y tế thế giới WHA 72 ngày 21/5/2019.
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới WHA72 diễn ra từ ngày 20/5 – 28/5/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Chủ đề của Kỳ họp 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới năm nay là: “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu, trong đó nêu rõ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, trong đó mọi người dân - bất kể họ là ai, sống ở đâu, hoặc có điều kiện kinh tế hay không – đều có thể tiếp cập được các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới WHA72
Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước chi trả cho các dịch vụ dự phòng và bao phủ 100% các đối tượng thuộc các chương trình y tế, trong khi chương trình bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và đến nay đã bao phủ được 88% dân số.
Để đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp khó khăn về tài chính, chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho tất cả người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và người già từ 85 tuổi trở lên; trợ cấp 70% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo.
Bộ trưởng Y tế Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại WH72
Các mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và Phát triển bền vững (SDG3) chỉ có thể đạt được thông qua việc thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ).
Việt Nam đã ưu tiên trong việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ CSSKBĐ tốt hơn cho người dân, xây dựng kế hoạch hành động tổng thể với cam kết cao về mặt chính trị để nâng cao năng lực cho hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; bao gồm tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh sớm tập trung vào các bệnh không lây nhiễm. Đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là những nội dung của đổi mới CSSKBĐ hướng tới bao phủ CSSK toàn dân.
Đoàn đại biểu Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 72 Đại Hội đồng Y tế Thế giới WHA72
Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến
Việt Nam cũng đã tích cực huy động các nguồn lực tài chính từ vốn vay ưu đãi và viện trợ của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, WHO, Quỹ Toàn cầu, EU và các đối tác phát triển để tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng trên cơ sở chuyển hướng từ các dịch vụ chăm sóc dựa vào bệnh viện và chữa bệnh sang chú trọng vào dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng và phòng bệnh như Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định có rất nhiều việc cần làm để đổi mới hệ thống y tế theo định hướng lấy CSSKBĐ làm nền tảng với chất lượng, hiệu quả, công bằng để đạt được mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên là rất quan trọng và Việt Nam tin rằng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể đảm bảo mọi người dân có sức khỏe và phúc lợi tốt hơn.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự Kỳ họp WHA72
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và GĐ BV Phổi Trung ương Nguyễn Viết Nhung (ngoài cùng bên phải) có cuộc gặp với GĐ Chương trình Lao toàn cầu của WHO TS. Tereza Kasaeva, GĐ Liên minh PCL toàn cầu TS. Lucica Mardale, GĐ Đối ngoại của Quỹ toàn cầu Bà Francoise Vanni, GĐ khu vực châu Á của Quỹ toàn cầu Urban Weber.
Ngoài ra các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề chuyên môn, các vấn đề liên quan đến Chương trình ngân sách và tài chính...
Việt Nam đã đóng góp tích cực vào chương trình nghị sự của Kỳ họp WHA72
Với hơn 20 bài tham luận thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và chủ động vào các chương trình nghị sự của kỳ họp. Các bài tham luận của Việt Nam đều được các thành viên của Hội đồng Chấp hành đánh giá cao, góp tiếng nói của các nước đang phát triển vào việc xây dựng các chính sách y tế trên toàn cầu.
Bên lề kỳ họp Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn có các cuộc gặp song phương với các đối tác quốc tế
Cũng trong đợt tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72, đoàn Bộ Y tế đã tham dự một số cuộc họp bên lề với các đối tác quốc tế như: Cuộc họp bên lề về bệnh AIDS, sốt rét, lao; Thảo luận bàn tròn về Chính sách Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đồng chủ trì sự kiện bên lề do Hàn Quốc khởi xướng về “Tiếp cận thuốc, vắc xin và các sản phẩm y tế: một cách tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo sự minh bạch của thị trường, các sản phẩm có chất lượng, chi phí hợp lý để đạt được UHC”. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ về việc tiếp cận thuốc, vắc xin và các sản phẩm y tế tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã tham dự sự kiện bên lề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cấp Bộ trưởng về Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bộ trưởng đã có cuộc họp với TS. Francoise Vanni, Giám đốc Đối ngoại của Quỹ Toàn cầu để trao đổi về tiến triển thực hiện các dự án của Quỹ Toàn cầu của Việt Nam và kế hoạch viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020-2022, đồng thời mời Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham dự cuộc họp của Quỹ Toàn cầu lần thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2019 tại Lyon, Pháp.