Phát biểu của TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập SK&ĐS tại Chương trình “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV

17-08-2017 14:22 | Y tế
google news

SKĐS - Báo SK&ĐS xin đăng toàn văn bài phát biểu của TTND.BS. Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống tại Chương trình “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV (diễn ra ngày 16/8 tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội).

Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam.

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương.

Kính thưa TTND. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Kính thưa các thầy thuốc, các vị khách quý và khán giả xem truyền hình cả nước.

Tôi xin phép được thay mặt Ban tổ chức gửi đến đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quý có mặt hôm nay lời cảm ơn trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất.

Kính thưa các vị đại biểu, năm 2010 Báo Sức khỏe & Đời sống lần đầu tiên tổ chức cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng”, về những tấm gương tận tình chăm sóc chữa trị cho người bệnh của các thầy thuốc, của những tấm lòng thiện nguyện trên cả nước. Kể từ đó, đều đặn 2 năm một lần, cuộc thi được phát động và tổ chức với quy mô ngày càng cao hơn.

Là cuộc thi viết về những tấm gương y đức nhưng không đơn giản là tuyên truyền mà là đi sâu vào những số phận, miêu tả những con người cao quý với tất cả những cung bậc của đời thường. Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” đã phát hiện và tôn vinh được nhiều nguyên mẫu rất cảm động. Là những bác sĩ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để hàng chục năm gắn bó, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hẻo lánh hay nơi đảo nhỏ xa xôi. Là những trí thức, nhà khoa học chấp nhận sự thua thiệt về mình để phấn đấu cho mục đích lớn nhất là đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại. Là những bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt - bệnh nhân tâm thần, phạm nhân mắc HIV… Đó là “Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm- bác sĩ Võ Thanh Dũng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện KRông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Là bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, một “Nữ bác sĩ thép” đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ, mặc dù trong những chuyến đi đầy hiểm nguy luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng của người mẹ: “Mình chết thì con mình sẽ ra sao?”. Đó còn là “Bác sĩ của dân bản” - Và Bá Tủa, Trạm trưởng trạm y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An), người luôn lặn lội tìm đến người bệnh và bằng những hành động của mình chẳng những thu phục được dân làng mà còn chinh phục được cả bố đẻ vốn làm nghề thày cúng chữa bệnh bằng cách … đuổi ma. Có những điều dưỡng, hộ lý 30 năm vác xác tử thi; Có bác sĩ là khắc tinh của những khối u quái trong khi bản thân cũng là một nạn nhân của những khối u, nhưng vẫn vật lộn với bệnh tật, giành giật sự sống hàng ngày để tiếp tục chăm sóc bệnh nhân… Có những bác sĩ phải ngâm đôi bàn tay trong đá lạnh buốt trong hàng giờ đồng hồ để đảm bảo ca bóc tách và ghép tạng thành công; các thầy thuốc căng mình chống các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, lăn xả để cứu các nạn nhân của thiên tai, thảm họa.… Tất cả những gì họ đã làm chỉ có thể giải thích lý do đó là xuất phát từ tình yêu thương con người sâu sắc.

TTND.BS Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe&Đời sống

TTND.BS Trần Sĩ Tuấn – Tổng Biên tập Báo Sức khỏe&Đời sống phát biểu tại Chương trình “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV

Đi cùng những lặng thầm, những hăng say, những dũng cảm…, ngành y cần lắm sự đồng hành sẻ chia của người bệnh, của nhân dân. Mỗi sự đồng cảm, chia sẻ của người bệnh, của xã hội là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm không quản vất vả, nguy hiểm chiến đấu với bệnh tật, vững lòng chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Sự tham gia nhiệt tình của các tác giả đối với cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” chính là một biểu hiện đẹp đẽ của sự đồng cảm khiến những người đang công tác trong ngành Y chúng tôi vô cùng trân trọng. Sự đồng cảm đã khiến những cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp không quản ngại đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, để phát hiện những tấm gương còn ẩn khuất giữa cuộc sống bộn bề, biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế, các trạm y tế xã … thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim. Có tác giả vượt hàng chục hải lý ra tận đảo Phú Quý, đảo Lý Sơn, Hoàng Sa… có người đã tìm về trạm y tế ở vùng sâu biên giới Tây Nam, có người phải vượt qua chặng đường với nhiều đèo cao dốc đứng, suối sâu vực thẳm để đến vùng sơn cước… nên trong nhiều bài viết đã khắc họa được những nguyên mẫu rất cảm động. Bởi vậy, không chỉ thành công về số lượng, về sự đa dạng vùng miền, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” còn quy tụ rất nhiều bài viết chất lượng cao, có giá trị hiện thực & nghệ thuật. Cho phép tôi được bày tỏ sự tri ân với các tác giả đã tham gia cuộc thi này, bởi chính nhờ họ mà cuộc thi có được sự thành công như ngày hôm nay. Những tấm gương hy sinh thật sự lặng thầm đó khiến cho người đọc xúc động, cảm phục và nhân lên niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp vốn vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống.

Kính thưa các quý vị, cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV với hơn một ngàn tác giả tham gia là một thử thách không nhỏ với Hội đồng giám khảo là các nhà văn, nhà báo có uy tín đã rất công phu, công tâm lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải theo đúng Thể lệ đã công bố. Cũng nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt Ban tổ chức bày tỏ sự tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc tới hương linh nhà báo lão thành Hữu Thọ - vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo đáng kính đã gắn bó với cuộc thi từ lần đầu tiên cho đến nửa chặng đường cuộc thi lần thứ IV này. Nhà báo Hữu Thọ đã dành nhiều tâm huyết tình cảm cho cuộc thi với những chia sẻ đầy trăn trở: “Trong lúc xã hội rất nhiều sự lộn xộn, văn hóa xuống cấp, tôi thực sự cảm ơn tấm gương, cám ơn tác giả đã viết về tấm gương làm cho tôi yêu đời hơn, tin tưởng hơn”.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Võ Văn Thưởng, đồng chí Vũ Đức Đam, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các quý vị đại biểu có mặt hôm nay. Trân trọng cảm ơn TTND. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, người đã hết lòng ủng hộ và có những chỉ đạo sâu sát cho cuộc thi. Trân trọng cảm ơn các tác giả, các nhà văn, nhà báo - những cầu nối các bác sĩ với bạn đọc qua trang viết. Cảm ơn các thầy thuốc đã âm thầm cống hiến vì sức khỏe cộng đồng làm nên chất liệu và chất lượng bài viết. Cảm ơn Hội đồng giám khảo đã công tâm lựa chọn những tác phẩm xứng đáng. Trân trọng cảm ơn Đài truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã có mặt để đưa tin về buổi lễ. Đặc biệt cảm ơn Công ty Cổ phần Dược phẩm Eco, Bệnh viện Tâm Anh đã đồng hành làm nên thành công của cả 4 cuộc thi. Cảm ơn các nghệ sĩ đã tham gia biểu diễn trong buổi lễ hôm nay.

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể khán giả theo dõi buổi lễ qua màn ảnh nhỏ sức khỏe - hạnh phúc - thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!


Ý kiến của bạn
Tags: