1.Vì sao nóng làm cơ thể phát ban?
BS. Đặng Xuân Thắng Trường Đại học Y dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho biết, phát ban nhiệt là một bệnh ngoài da khá quen thuộc trong điều kiện thời tiết mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao. Đây là hiện tượng da kích ứng sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, điều kiện thời tiết oi nóng, khó chịu. Nhìn chung, tình trạng kể trên xảy ra ở tất cả mọi lứa tuổi và ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ai cũng có thể gặp phát ban nhiệt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. Tuy không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng phát ban nhiệt khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy.
Một số nguyên nhân dẫn đến phát ban nhiệt:
- Môi trường
- Vận động nhiều
- Nhiệt độ cao
- Nằm quá lâu…
Phát ban nhiệt là một bệnh ngoài da khá quen thuộc trong điều kiện thời tiết mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao.
2.Triệu chứng và biến chứng do phát ban nhiệt
BS. Thắng cho hay, phát ban nhiệt khiến da bị nổi mẩn đỏ gây ngứa ngáy, đôi khi còn cảm thấy nóng rát trên da. Nặng hơn, phát ban nhiệt có thể làm cho da nổi mụn nước nhỏ, làm da bị sưng tấy từng vùng nếu như bị nhiễm trùng.
Trẻ sơ sinh dễ bị phát ban nhiệt hơn người lớn, do trẻ có tuyến mồ hôi phát triển chưa đầy đủ, khiến khả năng thoát mồ hôi kém. Ở người lớn, phát ban nhiệt thường xuất hiện ở vùng da có nhiều nếp gấp hoặc bị chà xát nhiều (vùng cổ, nách, háng…). Phát ban do nhiệt rất ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, theo BS. Đặng Xuân Thắng, nếu để bị nhiễm trùng chúng có thể gây ra mụn mủ và gây ngứa.
Thông thường, các biểu hiện bệnh sẽ tự biến mất sau khoảng vài ngày. Nếu bệnh không khỏi, kéo dài trên 1 tuần, hoặc có diễn tiến nặng hơn, cần đưa bệnh nhân đi khám để được bác sĩ chỉ định điều trị kịp thời tránh hệ lụy có thể xảy ra.
3. Cách điều trị phát ban do nóng
3.1. Điều trị không dùng thuốc
Đa số các trường hợp bị phát ban do nhiệt sẽ tự khỏi sau khoảng vài ngày phát bệnh khi được áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà phù hợp. Theo BS. Đặng Xuân Thắng, có thể áp dụng các biện pháp như sau:
- Nên ở những nơi mát mẻ để khắc phục các biểu hiện của bệnh.
- Dùng quạt, điều hòa hoặc những thiết bị làm mát để giúp giảm nhiệt độ của cơ thể trong những ngày nắng nóng.
- Uống nhiều nước, khoảng 2 lít/ngày.
- Tránh ăn những thực phẩm có tính chất cay nóng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi chứa nhiều nước...
- Tránh gãi nếu bị ngứa, vì có thể khiến cho làn da bị nhiễm trùng.
- Mặc quần áo rộng, thoáng mát.
Việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
3.2. Điều trị dùng thuốc khi bị phát ban?
Kiểm tra thân nhiệt, nếu có sốt sao trên 38,5 độ cần dùng thuốc hạ sốt. Các thuốc thường được lựa chọn là paracetamol, ibuprofen, aspirin. Tuy nhiên, BS. Đặng Xuân Thắng nhấn mạnh, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc hạ sốt, đồng thời tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.
- Paracetamol cần dùng liều theo cân nặng, 10 -15 mg/kg/lần mỗi 4-6h nếu cần thiết. Tuy nhiên, không được dùng quá 5 lần/ngày. Thận trọng dùng paracetamol cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ thừa cân, béo phì…
- Ibuprofen cũng là thuốc hạ sốt, được dùng mỗi 6-8h/lần với liều dùng 5-10 mg/kg/lần. Không nên dùng ibuprofen cho trẻ dưới sáu tháng tuổi, không dùng quá 3 lần/ngày. Thận trọng khi dùng cho trẻ có dấu hiệu mất nước.
- Aspirin cũng có thể dùng để hạ sốt. Tuy nhiên, thuốc không được khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới18 tuổi, bởi thuốc có thể gây ra Hội chứng Reye nguy hiểm ở trẻ.
Khị bị phát ban do nhiệt, nên cho người bệnh uống nhiều nước lọc, nước trái cây, ăn cháo, súp… Ngoài ra, có thể bổ sung nước và chất điện giải bằng oresol.
Lưu ý, khi sử dụng oresol, cần đọc kỹ hướng dẫn về các pha, cách uống, liều lượng… Oresol cần uống ngay sau khi pha.
Có nên dùng thuốc bôi ngoài da khi bị phát ban?
BS. Đặng Xuân Thắng khuyên, không tự ý bôi các loại thuốc dạng kem, thuốc mỡ lên vùng da bị phát ban, đặc biệt là vùng da bị tổn thương. Với các trường hợp có tổn thương, cần tuân thủ tuyệt đối việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đừng để cháy nắng làm hỏng làn da của bạn.