Phạt 180 triệu đồng đối với 22 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

13-05-2019 13:30 | Tin nóng y tế

SKĐS - Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 thành phố Hà Nội do TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo ATTP quận Nam Từ Liêm về triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019.

Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, trong Tháng hành động vì ATTP, quận đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 4 đoàn tuyến quận và 10 đoàn tuyến phường. Các đoàn đã kiểm tra 330 cơ sở thực phẩm, 16 bếp ăn tập thể các trường học, lấy 31 mẫu thực phẩm xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, phạt tiền 22 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 180 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nhãn mác hàng hóa, thực phẩm hết hạn sử dụng, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, kinh doanh thực phẩm chức năng không công bố theo quy định…

Phát biểu tại buổi làm việc, TS Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trưởng đoàn kiểm tra cho rằng, mặc dù quận đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tuy nhiên, quận cần xác định rõ hơn nữa trọng tâm thực hiện an toàn thực phẩm trong thời gian tới là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Trên cơ sở xác định trọng tâm ưu tiên kiểm tra, xử lý vi phạm với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Tăng cường tuyên truyền về nguy cơ của thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng với sức khỏe, từ đó phát huy quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng cùng phối hợp với chính quyền trong việc phát hiện, tẩy chay các cơ sở vi phạm, lựa chọn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín.

Đoàn kiểm tra phát hiện 10kg cánh gà, đùi gà tại quầy thực phẩm tươi sống của siêu thị Vinmart không rõ tem nhãn.

Kiểm tra hoạt động cung ứng thực phẩm của siêu thị Vinmart, đoàn kiểm tra ngẫu nhiên 3 mặt hàng: rau, thịt gà và sữa dinh dưỡng NAN3. Đại diện siêu thị đã cung cấp được hợp đồng của các nhà cung cấp rau, thịt gà, tuy nhiên chưa cung cấp được hợp đồng của đơn vị cung cấp sữa. Tại khu vực quầy thực phẩm tươi sống, đoàn ghi nhận có 10kg cánh gà và đùi gà không rõ tem nhãn. Đoàn đã yêu cầu phía siêu thị tiêu hủy toàn bộ 10kg cánh gà và đùi gà, giao Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Nam Từ Liêm giám sát, làm việc với siêu thị và báo cáo kết quả với đoàn kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Đoàn cũng lấy ngẫu nhiên mẫu chả, bánh phở và rau để xét nghiệm nhanh. Các mẫu xét nghiệm đều đảm bảo an toàn, không phát hiện hàn the, phooc môn và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng trong Tháng hành động,  quận ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn. UBND quận chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy 293 con lợn mắc dịch tại 12 hộ chăn nuôi thuộc 4 phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Phú Đô và Xuân Phương. Đồng thời, tiến hành khoanh vùng, xử lý dịch theo đúng quy trình, đảm bảo không để dịch bùng phát.

Ngoài điểm nhấn là Tháng hành động, ngay từ đầu năm, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành hơn 30 kế hoạch, công văn, quyết định để chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tập trung cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú.

Được biết,  hiện thành phố Hà Nội quản lý khoảng 66.531 cơ sở thực phẩm. Trong đó, kinh doanh thực phẩm là 23.154 cơ sở; dịch vụ ăn uống là 25.484 cơ sở; sản xuất thực phẩm là 10.392 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố là 7.501 cơ sở. Trong đó ngành y tế quản lý 38.086 cơ sở. Năm 2019, thành phố tiếp tục triển khai 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 12 quận, huyện; nâng cao chất lượng bếp ăn tập thể; triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Để đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, ngay từ đầu năm, công tác tổ chức tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, đổi mới với nhiều hình thức trên các kênh thông tin đại chúng.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế luôn coi đây là công tác thực hiện thường xuyên, đặc biệt trong dịp Tết và các lễ hội. Thời gian qua, Sở Y tế đã thành lập 712 đoàn kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế đã phạt tiền 266 cơ sở với tổng số tiền là 1.092.874.000 đồng. Trong đó, dịch vụ ăn uống là 85 cơ sở với tổng số tiền là 445.200.000 đồng, thức ăn đường phố là 181 cơ sở với tổng số tiền 647.674.000.


Lê Tùng
Ý kiến của bạn