Sự hiện diện của ông Hollande tại Trung quốc và Hàn quốc ở thời điểm này là một bất ngờ bởi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa COP21 sẽ chính thức khai mạc ở thủ đô Paris. “Đó là một cuộc chạy đua với thời gian”, tờ Le Figaro nhận định “Ông Hollande không muốn hội nghị COP21 sắp tới các nước ra về trăng tay”.
Hôm 2/11 tại Trung quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra một tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu. Theo đó, cả hai nước cam kết sẽ thúc đẩy một chương trình làm việc nhằm tăng cường các nỗ lực cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2020. Ngoài ra, Pháp và Trung quốc dự kiến sẽ công bố những kế hoạch mới cắt giảm một lượng lớn khí CO2 vào năm 2050. “Kết quả này là một bước tiến lớn hướng tới việc đạt được một thỏa thuận tại COP21”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Trên thực tế, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất (chiếm 20% dân số Trái Đất) và phát thải 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nước này đã cam kết sẽ cắt giảm lượng khí phát thải đang ngày một tăng trước năm 2030.
Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh hôm 2/11.
Ngay sau chuyến thăm Trung quốc, ngày 4/11, nhà lãnh đạo Pháp cũng đã tới Hàn quốc trong một nỗ lực tương tự nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Seoul. Trong chuyến công du Hàn quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước Pháp kể từ 15 năm qua, ông Hollande luôn nhấn mạnh tới chuyện “cần phải làm gì đó để giảm khí phát thải CO2”.
Nếu như Trung quốc là quốc gia đông dân nhất, thải ra lượng khí thải trong Top những quốc gia nhiều nhất thế giới, thì Hàn Quốc lại là nước Ccâu Á đầu tiên thiết lập thị trường buôn bán khí thải CO2. Pháp cho rằng những nước đang phát triển ở châu Á như Trung quốc, Hàn Quốc có vai trò hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các nước công nghiệp phát triển và những quốc gia đang phát triển khác. Vì thế, việc lựa chọn Trung quốc và Hàn quốc để tới thăm không nằm ngoài những tính toán chiến lược của Paris để đảm bảo cho COP21 thành công.
Trong một báo cáo mới nhất công bố ngày 3/11, đặc phái viên LHQ về vấn đề quyền được tiếp cận lương thực bà Hilal Elver đã khẳng định “Biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực thế giới”. Theo bà, những hậu quả của BĐKH có thể dẫn tới nguy cơ thế giới sẽ có thêm 60 triệu người suy dinh dưỡng vào năm 2080.
Các chuyên gia nói rằng để hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C, các quốc gia trên thế giới cần phải vừa nỗ lực thực hiện cam kết cắt giảm khí thải công nghiệp vừa sử dụng những nguồn năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, cho tới nay năng lượng sạch chỉ chiếm 20% nguồn năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, con người đã chần chừ quá lâu trong cuộc chiến chống lại sự ấm lên của khí hậu. Trong bản báo cáo công bố đầu năm 2015, Giám đốc IEA Maria van de Hoeven đã nói rằng thời gian đang là vấn đề sống còn bởi càng để lâu thì mức độ khó khăn và chi phí cho việc xử lý khí nhà kính càng tăng cao.
Theo kế hoạch, hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu, được gọi là COP 21 sẽ diễn ra tại Paris từ 30/11 đến 11/12. Mục tiêu của hội nghị là dựa trên Công ước LHQ về Biển đổi Khí hậu (UNFCCC) đạt được một công cụ pháp lý trên quy mô toàn cầu để giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, như thông lệ, mâu thuẫn giữa các quốc gia luôn gay gắt xung quanh con số cắt giảm lượng khí thải. Bởi nó tương ứng với chỉ số phát triển kinh tế và quyền lợi của các tập đoàn kinh tế lớn trong mỗi quốc gia. Vì thế, sau khi Nghị định thư Tokyo hết hạn năm 2015, các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
BĐKH sẽ gây ra khô hạn
Việc nác nhà ngoại giao và giới chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã phải họp kéo dài nhiều ngày tại Born hôm 23/10 vừa qua là một ví dụ. Các bên vẫn bất đồng về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó bất đồng cơ bản nhất vẫn là cách thức phân chia trách nhiệm giữa các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển trong mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Cách thức giải quyết "mức chênh lệch khí phát thải" vẫn đang gây ra những căng thẳng”, bà Elina Bardram, nhà đàm phán cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tham gia hội nghị trù bị tại Born nhận định.
Hiện đã có khoảng 150 quốc gia cam kết tình nguyện cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020, thời điểm một thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, cách thức giải quyết "mức chênh lệch khí phát thải" vẫn đang gây ra những căng thẳng gay gắt. Các nước đang phát triển tuyên bố họ chỉ có thể công bố các mục tiêu tham vọng nếu các nước giàu đưa ra cam kết về tài chính rõ ràng. Tuy nhiên, cũng đã có những tín hiệu khả quan. Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ Alberto Moreno đều cam kết sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. ADB mới đây tuyên bố sẽ tăng gấp đôi tài trợ chống biến đổi khí hậu lên 6 tỷ USD vào năm 2020./.
N.Minh (Theo Le Figaro, The Nation, AP)