Vừa qua, tại Quảng Ninh Dự án nâng cao năng lực về điều phối và vận động chính sách (UBQG phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đã tổ chức hội thảo Chính sách và pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm nhằm tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới cho công tác này...
Mại dâm vẫn diễn biến phức tạp
Thông tin tại hội thảo cho biết, hiện tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp: hoạt động mại dâm trở nên tinh vi hơn với phương thức hoạt động đa dạng, nhiều biến tướng. Phổ biến nhất vẫn là lợi dụng các dịch vụ ăn, nghỉ, vũ trường, caphe, tẩm quất, mát xa... Đáng chú ý là hoạt động mại dâm qua mạng internet, điện thoại di động đang lan rộng ở nhiều nơi, có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó xuất hiện mại dâm có yếu tố nước ngoài, bán dâm nam, mại dâm đồng giới...
Số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm có chiều hướng gia tăng, tập trung nhiều ở một số khu vực như đồng bằng sông Hồng, bắc Trung bộ, đông Nam bộ, và đồng băng sông Cửu Long... Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện lợi dụng hoạt động kinh doanh để tổ chức hoạt động mại dâm. Theo đó tội phạm liên quan đến mại dâm (chứa mại dâm, môi giới mại dâm) cũng tăng lên. Năm 2013, cơ quan công an đã xử lý 1.317 vụ với 5.303 đối tượng (tăng 179 vụ, 557 đối tượng), trong đó chủ chứa môi giới là 1.221 đối tượng, xử lý hành chính 459 vụ với 4.140 đối tượng.
Mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn đang trở thành nguy cơ lây nhiễm HIV cao, nhất là ở các tỉnh miền Tây, miền Đông nam bộ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng và hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất so với các đường lây khác.
Một số qui định của pháp luật không còn phù hợp
Mặc dù thời gian qua Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện công tác phòng, chống mại dâm như qui định trách nhiệm quản lý địa bàn của người đứng đầu chính quyền địa phương, chỉ đạo xử lý nghiêm các địa bàn để xảy ra tình trạng mại dâm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; các mô hình thí điểm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc...) tại cộng đồng và có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ...
Tuy nhiên công tác phòng chống mại dâm vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhận thức về tệ nạn mại dâm và các hệ lụy đối với xã hội của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất, thậm chí còn cho rằng mại dâm tồn tại mang tính tất yếu, để phát triển du lịch cần có mại dâm... dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống không kiên quyết, triệt để, thiếu thường xuyên, liên tục...
Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm (2003-2014) một số qui định của pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống mại dâm trong tình hình mới như biện pháp xử phạt hình sự, hành chính chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa các tội phạm, vi phạm hành chính liên quan đến mại dâm. Các biện pháp kinh tế, xã hội, tuyên truyền, giáo dục... trong phòng chống mại dâm chưa có cơ chế thực hiện nên không phát huy được hiệu quả. Các qui định về giảm hại còn chồng chéo trong các văn bản pháp luật...
Nên theo hướng nào?
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, các quan hệ xã hội có nhiều thay đổi, nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề xử lý đối với tình hình mại dâm ở nước ta. Trong đó tập trung vào hai quan điểm chính:
Một, cho rằng tệ nạn mại dâm (hành vi mua, bán dâm; tội phạm; vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm; các hệ lụy của mại dâm đối với xã hội...) là trái với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người, hạnh phúc gia đình, làm mất trật tự an toàn xã hội. Do vậy cần tiếp tục khẳng định chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước là kiên quyết đấu tranh phòng chống mại dâm. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay cần chú trọng đến các biện pháp giảm hại, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội... cũng như cung cấp các cơ hội thay đổi công việc của một nhóm phụ nữ, trẻ em bị ép buộc bán dâm.
Theo đó cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm như sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng chống mại dâm theo hướng tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm hại và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; Xây dựng khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm với pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS trong công tác phòng, chống mại dâm...
Về vấn đề này, đại diện Cục Tham mưu Cảnh sát Quản lý hành chính- Bộ công an chia sẻ thêm, trước mắt cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng chống mại dâm và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan ( pháp luật hình sự, hành chính) đối với các hành vi mại dâm, liên quan đến mại dâm cho phù hợp với các qui định của pháp luật liên quan như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phòng, chống HIV/AIDS.... Về lâu dài nghiên cứu xây dựng Luật phòng chống mại dâm đáp ứng với những yêu cầu, tình hình thực tiễn trong bối cảnh hiện nay theo hướng: xác định rõ hơn, bao quát hơn về khái niệm mại dâm, điều chỉnh các hành vi mại dâm đồng giới, mại dâm không qua giao cấu; kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm, có nhiều nguy cơ lợi dụng để hoạt động mại dâm, bóc lột tình dục , buôn bán người... Cần bổ sung, qui định rõ ràng hơn về trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm. Đồng thời xây dựng các cơ chế pháp luật, tài chính phù hợp để người bán dâm được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng; khám và điều trị HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; áp dụng các chương trình điều trị methadon cho người bán dâm sử dụng ma túy và chương trình bao cao su phòng ngừa lây nhiễm HIV... Các cơ quan liên quan cần phối hợp, xem xét tạo điều kiện để các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác cùng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Hai, cho rằng các biện pháp phòng chống mại dâm trong các văn bản pháp luật hiện nay chưa thực sự phù hợp, không hiệu quả. Nhà nước nên thừa nhận mại dâm và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu riêng biệt như một số quốc gia lân cận và trên thế giới. Tuy nhiên đây là vấn đề cần có đánh giá, nghiên cứu một cách nghiêm túc, thấu đáo. Bởi lẽ, tệ nạn mại dâm là một vấn đề xã hội, để giải quyết cần phải có những biện pháp mang tính xã hội, phù hợp, trong một thời điểm nhất định. Mặt khác giải quyết vấn đề này cần xem xét dưới nhiều góc độ, nhiều yếu tố như truyền thống văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán và ý thức chấp hành pháp luật của người dân...
Thu Hương